người là 100 con mỗi ngày. Anh em đã hăng hái tham gia, thi đua diệt ruồi,
nâng chỉ tiêu lên dần, đến mức 500 con mỗi ngày. Phong trào diệt ruồi lúc
đó đã được phản ánh trên những báo tường của tù nhân Côn Đảo:
Báo cáo đồng chí hôm nay
Tôi đập ruồi suốt cả ngày không chơi
Cộng được có bốn trăm thôi
Dạo này ít bởi nhiều người tham gia.
(Ca dao Côn Đảo - Bản do anh Trần Đông Lưu giữ).
Ở khối tù án, ngoài việc tự chăm lo cải thiện ở từng bộ phận, mỗi khu
đều đóng góp cho công tác xã hội toàn đảo. Khu Hoàng Sâm thường đi dọn
tàu, kéo cây nên kiếm được khá nhiều rau và thực phẩm. Anh Phạm Văn
Mai phụ trách công tác xã hội còn tổ chức được một rẫy riêng, hàng ngày
có 4 người trông coi. Các anh đã bớt phần của mình để tiếp tế cho khu biệt
lập rau muống, rau càng cua, đợt đủng đỉnh, mắm cá cơm. Mỗi khi rửa rau,
khu Hoàng Sâm thường kín đáo làm “rơi vãi” quanh giếng để anh em ở biệt
lập ra tắm lấy vào.
Các kíp dọn tàu, chuyến hàng có nhiều cách cải thiện độc đáo. Khi thì
nhét đậu xanh vào tai heo, khi bắt rận rệp thả vào mũi bò, khi lại “lỡ” sảy
chân sảy tay cho heo, bò bị thương tích phải mổ thịt hàng loạt để bọn Tây
ăn không hết, phải cho bếp tù nhân. Nhờ đó, mỗi chuyến tàu ra, toàn đảo lại
được ăn tươi vài bữa.
Kíp dọn hàng ở tàu vào bờ thì chọn những thùng sữa hộp, thịt hộp quăng
xuống biển. Anh em đi tắm lặn xuống lấy về giấu trong các kẽ đá lớn ở cầu
Tàu rồi tìm cách chuyển dần về cho Ban xã hội. Đó là một kiểu tạo tác phổ
biến đối với nguồn thực phẩm dự trữ, vừa phá hoại kinh tế địch, vừa xây
dựng kinh tế tập trung cho tù kháng chiến. Xây dựng kinh tế tập trung là
nhiệm vụ trung tâm của Ban xã hội Liên đoàn nhằm tập thể hóa các nguồn
tiếp tế, tạo tác để phục vụ đời sống hoạt động và tranh đấu của tập thể tù
nhân.