Hậu quả là 7 người tù làm bồi bếp quanh khu vực giếng nước bị bắt:
Huỳnh Phò (C.12170), Phạm Văn Hỷ (C.12187), Hàn Giang Nguyên
(C.12720), Ngô Minh Sơn, hòang Đình Hồ, Lê Văn Rô và Ré. Các anh bị
tra tấn, trấn nước, quay điện nhiều lần nhưng không ai khai báo gì về việc
tổ chức, tuyên truyền cho nhóm Thiếu nhi cứu quốc cũng như các chủ
trương của Liên đoàn.
Địch tiếp tục lục soát bắt được chỉ thị, thông tri của Liên đoàn và của Ủy
ban kháng chiến hành chánh Côn Đảo ở khu thợ hồ và một số khu khác.
Chúng cũng biết được phần nào chủ trương và sự chuẩn bị của ta, nhưng
không vì thế mà ta dừng cuộc đấu tranh lại.
Ngày 30-7-1954, trung tướng Gilô (Gilót), thanh tra các trại tù binh, ra
nắm tình hình tại Côn Đảo. Theo sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến hành
chánh Côn Đảo, anh Vũ Hạnh đã đưa đơn tranh đấu, tố cáo sự hà khắc của
chúa ngục ở Trại tù binh; đồng thời yêu cầu Bộ tổng tư lệnh Pháp can thiệp,
trao trả toàn bộ tù nhân Côn Đảo về cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa; thực hiện đúng điều 21 Hiệp định Giơnevơ và những cam kết ở
Hội nghị Trung Giã về việc cải thiện chế độ tù binh, tù chiến tranh. Gilô
nhận đơn và khiển trách tên quan ba bác sĩ ở đảo cùng tên quan hai Gácđét,
trưởng trại tù binh.
Tối 30-7-1954, toàn đảo tổ chức lễ phát động tranh đấu, đọc mệnh lệnh
của Ủy ban kháng chiến hành chánh Côn Đảo. Sáng 31-7-1954, các khám
tù nhất loạt đưa đơn và không ra điểm danh đi làm. Anh Trịnh Văn Hà,
Tổng đại diện của tù án đã gửi hai đơn cho Bộ tư lệnh Pháp và Ủy hội quốc
tế, yêu cầu xóa bỏ án tiết; nhìn nhận là tù chiến tranh; thực hiện đúng quy
chế tù chiến tranh. Kèm theo đó là bức thư gửi Giám đốc Côn Đảo trình
bày rõ nội dung và hình thức tranh đấu của tù nhân.
Giám đốc Côn Đảo nhận đơn. Y rất ngạc nhiên vì cho đến lúc ấy, y chưa
được thông báo gì về nội dung Hội nghị Trung Giã và Hiệp định Giơnevơ.
Tuy vậy, Blăng cũng trả lời tù nhân ngày trong buổi sáng ấy:
– Vấn đề chính trị phạm còn chờ cấp trên nghiên cứu giải quyết.