Mặc dầu đã áp dụng tối đa các biện pháp phòng ngừa, các cuộc vượt
ngục vẫn xảy ra. Kíp đốn củi của tù chính trị câu lưu gồm 6 người đã vượt
ngục bằng thuyền khung mây bọc vải vào chiều mồng bảy tháng giêng năm
Canh Tý (1960). Cuộc vượt ngục do Võ Ngàn Trân, một ngư dân ở Hàm
Tân (Bình Thuận) và Võ Hoàng Sơn tự Nỉ (Lái Thiêu) tổ chức, với sự tham
gia của Trương Văn Bi, Nguyễn Ngọc Ân, Nguyễn Hữu Thoại và Nguyễn
Lềnh. 13 giờ mồng bảy tết Canh Tý, từ vị trí đốn củi trên Núi Chúa, họ
khiêng chiếc thuyền dài 6m, rộng 1,2 mét xuống bãi phía tây đảo, hạ thủy
lúc xế chiều, ráng sức chèo ra khơi.
Sau 9 ngày vật lộn với sóng gió, chiếc thuyền con mong manh lạc vào
một hoang đảo thuộc hải phận Campuchia. Sáu tù nhân bị giải giao về trại
giam Sêrêpôc. Hơn 2 năm sau, họ tham gia cuộc vượt ngục của tù chính trị
Campuchia vào đêm 11-11-1963. Hơn một trăm tù chính trị đã thoát khỏi
trại giam, cắt rừng về đến Hớn Quản và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng
miền Nam tiếp nhận.
Tháng 11-1961, tại công trường làm sân bay Cỏ Ống, sáu tù chính trị đã
dùng thùng phuy kết bè vượt ngục nhưng không thành. Công văn số
316/CS/NA/M ngày 21-11-1961 của Trung tâm cải huấn Côn Sơn cho biết
rõ 6 can phạm dó là:
– Hồ Văn Xuân (tự Vĩ): Chủ mưu.
– Tông Tấn Thương (tự Cọp): Chủ mưu.
– Phan Xuân Nhị (tự Bình): Tòng phạm.
– Nguyễn Văn Non: Tòng phạm.
– Nguyễn Văn Thân (tự Thọ): Tòng phạm.
– Trần Tấn Lộc (tự Thi): Tòng phạm.
Sáu người nói trên “đều là các phần tử ngoan cổ, không chịu học tập, cải
tạo. Cuộc vượt đảo của các can phạm nói trên không ngoài mục đích: về tới
đất liền sẽ tiếp tay với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam của Việt cộng
để chống lại chính phủ quốc gia”.