LỜI NÓI ĐẦU
Nội dung cơ bản của thời kỳ lịch sử cận đại là sự chuyển biến từ chế
độ phong kiến sang chế độ tư bản chủ nghĩa, sự xác lập phương thức sản
xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi thế giới.
Những cuộc cách mạng tư sản ở Tây Âu và Bắc Mỹ (giữa thế kỷ XVI -
giữa thế kỷ XIX) đã từng bước thiết lập hệ thống chính trị tư sản trong các
quốc gia phát triển (Anh, Mỹ, Pháp, Đức) rồi lan tỏa ảnh hưởng ra các
nước trên những mức độ khác nhau ở châu Âu, châu Mỹ latinh và châu Á.
Cùng với sự hình thành bộ máy nhà nước tư sản là sự xuất hiện các trào
lưu tư tưởng về quyền con người và quyền công dân; các học thuyết về thể
chế chính trị và quyền tự do dân chủ, nổi bật nhất là Triết học Ánh sáng;
các dòng văn học lãng mạn và hiện thực phản ánh cuộc vận động lớn lao
đó.
Thời kỳ này còn được đánh dấu bởi cuộc cách mạng công nghiệp, mở
đầu bằng việc phát minh và sử dụng máy hơi nước vào sản xuất ở nước
Anh cuối thế kỷ XVIII. Một quá trình công nghiệp hóa diễn ra rầm rộ ở
châu Âu đã làm thay đổi cách thức sản xuất từ lao động bằng tay, sang sử
dụng máy móc và từng bước hình thành một cơ cấu công nghiệp hoàn
chỉnh; từ sản xuất quy mô nhỏ lên quy mô lớn với sự ra đời của các nhà
máy và các khu công nghiệp, khiến cho loài người trong vòng chưa đầy một
trăm năm, có thể sáng tạo nên một lực lượng vật chất to lớn hơn và đồ sộ
hơn tất cả các thế hệ trước cộng lại, theo đánh giá của C.Mác và
Ph.Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Chính những thành
tựu kinh tế và kỹ thuật ấy đã khẳng định ưu thế của chế độ tư bản đối với
chế độ phong kiến, đã tạo nên một bước ngoặt cơ bản “từ làn sóng văn