lớn, thúc đẩy phong trào tư sản mới xuất hiện yếu ớt ở một số quốc gia
châu Á. Người Trung Hoa thất bại trong việc áp dụng kinh nghiệm duy tân
trong cuộc vận động năm Mậu Tuất (1898) đã tìm con đường cách mạng
với học thuyết Tam Dân của Tôn Trung Sơn, dẫn đến cuộc cách mạng Tân
Hợi (1911) nhưng phải dừng lại nửa chừng. Sự chọn lựa giữa hai khả năng
cải lương và cách mạng của các nhà yêu nước phương Đông đã không đem
lại kết quả gì khi thế giới bước vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất -
cuộc giành giật thuộc địa giữa các nước đế quốc. Nhưng dẫu sao, khu vực
này cũng đã bị lôi cuốn một cách cưỡng bức vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư
bản thế giới.
Như vậy, cho đến trước Cách mạng tháng Mười Nga, cả thế giới đã
vận hành ở những tầng cấp khác nhau, vị thế khác nhau trong vòng quay
của những quy luật tư bản chủ nghĩa.
*
* *
Có nhiều ý kiến khác nhau trong việc phân định mốc mở đầu và kết
thúc của thời kỳ lịch sử thế giới cận đại. Thực ra, lịch sử phát triển liên tục
mà sự phân kỳ chỉ có tính chất quy ước, mỗi người theo một quan điểm
khác nhau trong việc chọn lựa. Hơn thế nữa, sự vận động lịch sử không
diễn ra đồng đều trên tất cả các nước và các khu vực, mốc thời gian phù
hợp với nơi này lại không thích ứng với nơi khác.
Tuy vậy, trong khuôn khổ giáo trình đại học, việc định mốc phân kỳ -
dù chỉ coi như quy ước - vẫn là điều cần thiết. Nằm trong toàn bộ quá trình
lịch sử từ cổ đến kim, thời kỳ cận đại xen vào giữa nên phải nhất quán với
phần giáo trình trước nó là lịch sử cổ trung đại và sau nó là lịch sử hiện
đại. Do vậy, trong giáo trình này, lịch sử thế giới cận đại được bắt đầu từ
cuộc cách mạng tư sản Anh giữa thế kỷ XVII, kết thúc bởi cuộc cách mạng
XHCN tháng Mười Nga và Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đầu thế kỷ XX.
Ngay trong thời kỳ cận đại cũng khó có được một sự phân định rõ rệt thống
nhất chung cho cả phương Tây và phương Đông. Cho nên, để tiện cho việc