không chịu đến họp chung, đẳng cấp thứ ba, vẫn cứ tiến hành kiểm tra tư
cách của tất cả các đại biểu.
Ngày 17-6, sau khi kiểm tra xong, các đại biểu của đẳng cấp thứ ba tự
tuyên bố thành lập Hội đồng dân tộc. Đó là một quyết nghị táo bạo vì lần
đầu tiên, họ không cần đến nhà vua và chuyển quyền lập pháp về tay đẳng
cấp thứ ba. Nhà vua phản kháng bằng cách đóng cửa cung điện không cho
các đại biểu đến họp (20-6). Trước thái độ đó, nhân dân đã cùng các đại
biểu của mình đi đến họp tại Phòng đánh cầu. Ở đây, họ thông qua một
nghị quyết quan trọng, thề sẽ không giải tán và sẽ họp ở bất cứ nơi nào cho
đến khi thảo xong hiến pháp.
Ngày 23-6 các đại biểu của ba đẳng cấp lại được triệu tập về cung điện
Vécxai. Nhưng sau khi đọc diễn văn, nhà vua ra lệnh phân tán về làm việc
theo từng đẳng cấp. Không một ai trong đẳng cấp thứ ba rời khỏi chỗ ngồi.
Nhân dân bên ngoài ùa vào cùng các đại biểu. Mặc dầu được lệnh canh gác
nghiêm ngặt, quân cảnh vệ vẫn để cho quần chúng ra vào vì chính họ đã
ngả về phía cách mạng.
Ngày 9-7, Hội đồng dân tộc tự tuyên bố thành Quốc hội lập hiến để
xác định quyền của mình trong việc ban hành luật lệ nhà nước. Vẫn giữ thái
độ ngoan cố, nhà vua quyết định thải hồi Nếchkê là viên bộ trưởng tài
chính của giới tư sản và thay thế bằng bá tước Đơ Brơtơi, nổi tiếng với lời
nguyền: “Nếu như cần phải đốt Pari thì chúng ta sẽ đốt Pari”. Quân đội
được điều động về thủ đô, sẵn sàng nhả đạn vào quần chúng.
Cuộc khởi nghĩa 14-7-1789 ở Pari
Ngày 12-7, tin Đơ Brơtơi được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và việc
nhà vua tập trung quân đội gây nên một làn sóng công phẫn trong các giới
ở Pari. Quần chúng lao động và những người tư sản cách mạng tự vũ trang
bằng mọi thứ vũ khí thô sơ: súng, dao, dáo, mác… Binh lính chuyển sang
phía nhân dân trừ những đơn vị có lính đánh thuê ngoại quốc.