Thế nhưng, việc những người có cơ hội đi lại quen biết với Đạo
Tuyền và qua thực tế đó mà hiểu về Thiền, là điều ta có thể tưởng
tượng dễ dàng. Thế rồi, trong đám ấy đã xuất hiện một nhân vật tên là
Saichô (Tối Trừng). Vì thế, có lẽ đối với Saichô, Thiền là cái gì cực kỳ
quan trọng. Tuy nhiên, những người thừa kế ông đã hiểu về Thiền đến
mức độ nào thì vẫn là điều đáng hồ nghi. Qua hành động của Nghĩa
Không (bỏ về Trung Quốc) và Gaoku Nôkô (ở lại Trung Quốc không
về Nhật) thì ta có thể đặt câu hỏi phải chăng người Nhật vào thời kỳ
ấy hãy còn chưa sẳn sàng để tiếp nhận Thiền Tông. Có lẽ Saichô, như
một ngoại lệ, là người duy nhất vào thời đó biết tiếp nhận sự hiện hữu
của Thiền.
Thế nhưng trong thời kỳ chính trị viện sảnh, thế lực của giới võ sĩ
trở nên mạnh mẻ. Khi tiếng vó ngựa chiến nghe rầm rập trên đường về
phía kinh đô trong những năm loạn lạc, con người dù muốn hay không
cũng bị bắt buộc trực diện với sự sống còn của mình. Và đây là lần
đầu tiên, Thiền đã hiện ra trước mắt mọi người với ý nghĩa đích thực
xưa nay của nó. Hành động có thiền vị của Kakua (thổi một điệu sáo
thay vì trả lời) đã cho ta thấy rõ được phần nào tâm trạng đó, giống
như điềm báo trước một sự tiếp nhận Thiền qui mô hơn dưới thời
Kamakura.
**Chú thích
- Paekche (Bách Tế), còn viết là Baekje, cùng với Goguryeo
(Cao Câu Ly) và Shilla (Tân La) là một trong tam quốc thời cổ, đã
thành lập trên đất Hàn từ năm 18 trước công nguyên, đóng đô ở
Hanseong (Hán Thành). Do điều kiện địa lý gần bán đảo Sơn Đông,
họ sớm nhận ảnh hưởng văn hóa đến từ Trung Quốc trong đó có Phật
Giáo. Soengwang là một minh quân có công khôi phục đất nước,
khích lệ Phật giáo, chủ trương giao lưu với Trung Quốc và hòa thân
với Nhật, lúc ấy gọi là nước Wae. (Theo Lịch Sử Hàn Quốc, 2005,
Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc Học, Huh Nam-jin chủ biên,
Seoul).