Quân nổi loạn có thanh thế rất lớn, Hán Cảnh Đế hơi sợ. Ông nhớ tới
lời dặn dò của Hán Văn Đế lúc lâm chung, liền cử danh tướng Chu Á Phu
làm thái úy, dẫn đầu 36 tướng khác cùng đi dẹp loạn. Lúc đó trong triều có
kẻ đố kỵ Triệu Thác, nói là 7 nước phát binh đều là do Triệu Thác. Y
khuyên Cảnh Đế: "Chỉ cần làm theo yêu cầu của 7 nước, giết Triệu Thác đi,
và miễn tội khởi binh cho các nước chư hầu, khôi phục lại đất phong cho
họ như cũ, thì họ sẽ rút quân về".
Hán Cảnh Đế nghe theo lời đó, nói: "Nếu quả thật họ chịu rút quân, thì
ta tiếc gì một Triệu Thác". Tiếp đó một số đại thần dâng sớ vạch tội Triệu
Thác, nói ông ta đại nghịch vô đạo, cần xử tội chém ngang lưng. Một hôm,
trung úy đến nhà Triệu Thác, truyền đạt mệnh lệnh hoàng đế, gọi ông ta lên
triều bàn việc. Triệu Thác vẫn hoàn toàn không hay biết gì, lập tức mặc
triều phục, cùng trung úy lên xe vào triều. Xe ngựa đi tới cửa đông Triều
An, trung úy bỗng rút chiếu thư, yêu cầu Triệu Thác xuống xe nghe chiếu.
Sau khi trung úy tuyên đọc mệnh lệnh của Cảnh Đế, một toán võ sĩ ùa tới,
trói Triệu Thác lại. Con người rất mực lo toan giữ gìn cơ đồ nhà Hán như
Triệu Thác, phút chốc đã bị xử tội chém ngang lưng.
Hán Cảnh Đế giết xong Triệu Thác liền cử người mang chiếu thư, yêu
cầu 7 nước rút quân. Lúc đó Ngô vương Lưu Phì đã đánh thắng mấy trận,
chiếm được nhiều đất đai. Khi nghe yêu cầu quì xuống để nghe chiếu thư,
liền cười nhạt: "Ta bây giờ cũng là hoàng đế, việc gì phải quì".
Trong trại quân Hán có viên quan tên là Đặng Công về Trường An để
báo cáo tình hình quân sự. Cảnh Đế hỏi y: "Ngươi từ quân doanh về, đã
biết tin Triệu Thác bị giết chưa? Quân Ngô, Sở có chịu lui quân không?"
Đặng Công nói: "Để khởi loạn, Ngô vương đã chuẩn bị mấy chục năm
rồi. Lần này mượn cớ phát binh, đâu phải vì Triệu Thác. Bệ hạ đã giết
nhầm Triệu Thác rồi. E rằng sau này sẽ không có ai dám bày mưu giúp
triều đình nữa".