vu Quân Thần dẫn 10 vạn kỵ binh đi tiếp quản Mã Ấp. Đi tới Vũ Châu (nay
là huyện Tả, Vân Sơn Tây) cách Mã Ấp khoảng 100 dặm, chỉ thấy trên thảo
nguyên có rất nhiều gia súc, nhưng không có người chăn thì sinh nghi. Lúc
đó, Quân Thần thấy phía trước có một chòi canh, liền đánh chiếm chòi đó
để hỏi tình hình. Chiếm được chòi, Quân Thần dọa người phụ trách chòi
gác: nếu không khai thực tình hình thì sẽ chém đầu.
Người phụ trách chòi gác sợ hãi, khai hết tình hình quân Hán mai phục
cho thiền vu Quân Thần biết. Biết tình hình, Quân Thần giật mình, liền hạ
lệnh lui quân. Ra khỏi địa giới Vũ Châu, thiền vu mới thở phào: "May mà
bắt được tên phụ trách gác chòi. Nếu không thật nguy hiểm".
Quân Hán mai phục ở Mã Ấp, được tin quân Hung Nô đã rút, liền đưa
toàn đại quân đuổi theo, nhưng đuổi sao cho kịp được, đành phải rút quân
về. Trận dụ địch của Hán Vũ Đế không thành công. Nhưng từ đó, quan hệ
hòa thân giữa hai bên tan vỡ, và chiến tranh đại quy mô đã liên tiếp xảy ra
giữa hai bên.
PHI TƯỚNG QUÂN LÝ QUẢNG
Năm 129 TCN, Hung Nô phái quân xâm phạm Thượng Cốc (trị sở nay
ở đông nam Hoài Lai, Hà Bắc). Hán Vũ Đế phái Vệ Thanh, Công Tôn
Ngao, Công Tôn Hạ, Lý Quảng dẫn quân chia đường tiến đánh. Trong 4
danh tướng đó, Lý Quảng là người lớn tuổi nhất, có nhiều công lao nhất.
Thời Hán Văn Đế, Lý Quảng đã làm tướng; thời Hán Cảnh Đế, đã cùng
Chu Á Phu dẹp loạn 7 nước, lập được công lớn. Hán Cảnh Đế còn cử ông
làm thái thú Thượng quận (trị sở nay ở đông nam Du Lâm, Thiểm Tây). Có
lần, quân Hung Nô tiến vào Thượng quận. Lý Quảng dẫn 100 kỵ binh đuổi
theo 3 xạ thủ Hung Nô, đuổi mấy chục dặm mới kịp. Ông bắn chết hai tên
và bắt sống một tên, đang chuẩn bị trở về thì thấy mấy ngàn kỵ binh Hung
Nô đang từ xa xông tới.