và trình độ nghệ thuật đã rất cao. Nhưng ta cũng có thể tưởng tượng được,
chiếc đỉnh lớn đẹp đẽ đó đã thấm đượm bao nhiêu mồ hôi và cả xương máu
của nô lệ!
Các nhà khảo cổ còn khai quật được ở Ân Khư rất nhiều mộ huyệt của
chủ nô thời Ân Thương. Trong ngôi mộ lớn của một quốc vương đào được
ở thôn Vũ Quan,huyện An Dương, ngoài những đồ châu ngọc xa xỉ được
chôn theo, còn có rất nhiều nô lệ bị giết và tuẫn táng. Trên đường vào ngôi
mộ lớn, một bên chất nhiều bộ xương không đầu, bên kia bày toàn xương
sọ. Theo ghi chép trên các mảnh giáp cốt, khi vua chúa tế tự tổ tiên, cũng
giết nhiều nô lệ làm đồ tế, lần nhiều nhất có tới hai ngàn sáu trăm người.
Đó là chứng cớ tội ác tàn sát nô lệ thời đó. Từ văn tự giáp cốt khai quật
được ở Ân Khư, chúng ta có những tài liệu tin cậy về triều Ân – Thương.
Có thể nói, lịch sử thành văn sớm nhất ở Trung Quốc là bắt đầu từ triều Ân
– Thương.