Hán Quang Vũ Đế không biết làm thế nào, đành vòng xe sang cổng
khác, vào thành. Hôm sau, Hán Quang Vũ Đế đang định gọi Chất Uẩn vào
trách mắng thì không ngờ đã nhận được sớ tấu của Chất Uẩn dâng lên. Sớ
tấu viết: "Bệ hạ đi săn vào vùng rừng núi xa xôi, ban ngày còn chưa đủ,
mãi tới đêm khuya mới về. Cứ như vậy thì làm sao giải quyết được quốc
gia đại sự?".
Hán Quang Vũ Đế xem sớ tấu, liền thưởng cho Chất Uẩn 100 tấm vải
và giáng chức viên quan đã mở cổng cho vào.
LẤY KINH, RƯỚC TƯỢNG PHẬT
Năm 63 tuổi, Hán Quang Vũ Đế bị bệnh mất. Thái tử Lưu Trang nối
ngôi, tức là Hán Minh Đế. Có lần, Hán Minh Đế nằm mơ, thấy có một
người vàng, trên đầu có đội một đạo hào quang sáng chói, bay vòng xung
quanh điện rồi bỗng bay thẳng lên không về phía tây. Hôm sau, hoàng đế kể
lại giấc mơ đó cho các đại thần, nhiều đại thần không nói được rõ người
vàng tỏa hào quang đó là ai. Chỉ có bác sĩ Phó Nghị nói: "Thiên Trúc có
một vị thần được gọi là Phật, người vàng mà bệ hạ nằm mơ thấy đúng là
Phật ở Thiên Trúc".
Thiên Trúc mà Phó Nghị nói còn gọi là Thận Độc, nơi xuất sinh của
Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập ra Phật giáo (Thiên Trúc là tên gọi nước
Ấn Độ thời cổ, Thích Ca Mâu Ni sinh ở nước Ấn Độ thời cổ, nay thuộc
Nepan). Thích Ca Mâu Ni sinh khoảng năm 565 TCN, vốn là một vương
tử. Truyền thuyết nói vào năm 29 tuổi, Thích Ca Mâu Ni vứt bỏ đời sống
vương giả, xuất gia tu đạo. Ông sáng lập ra tôn giáo gọi là Phật giáo. Thích
Ca Mâu Ni tuyên truyền giáo lý phật giáo khắp nơi. Ông truyền giáo trong
43 năm, thu nạp rất nhiều môn đồ. Mọi người tôn xưng ông là Phật Đà. Sau
khi ông mất, các đệ tử ghi chép lại học thuyết của ông, soạn thành kinh. Đó
tức là Kinh Phật.