đưa Hán Hiến Đế và hàng triệu dân Lạc Dương dời vào Trường An, còn tự
mình lưu lại vùng phụ cận Lạc Dương để đối phó với liên quân. Khi Hán
Hiến Đế bị buộc rời Lạc Dương, Đổng Trác sai đốt hết cung điện, dinh thự
và nhà dân trong khoảng 200 dặm xung quanh Lạc Dương. Một kinh thành
hoa lệ và một vùng dân cư trù phú đã bị lửa thiêu trụi, trở thành một vùng
không còn tiếng gà gáy, chó sủa. Dân chúng bị lùa đi, bị đánh đập, chết đói
chết khát, thi thể rải khắp đường.
Nhưng liên quân thảo phạt Đổng Trác tập trung ở vùng Toan Tảo vẫn
còn trông nhau, ai cũng án binh bất động không dám ra tay trước. Có lần
tướng lĩnh chỉ huy các đội quân thuộc liên quân họp bàn trong đại doanh
của Viên Thiệu. Tào Tháo nói với mọi người: " Chúng ta khởi binh là để
thảo phạt Đổng Trác. Hiện nay Đổng Trác đã cướp thiên tử đem đi, đốt
cháy cung điện và kinh thành, lòng người cả nước đều kinh hoàng căm
giận. Đây đúng là thời cơ tốt để trừ nghịch tặc. Tại sao chúng ta cứ do dự,
không quyết định hành động?". Dù Tào Tháo nói năng khẳng khái, cảm
động nhưng không ai nhiệt tình hưởng ứng. Ngay cả minh chủ Viên Thiệu
còn chưa hành động, thì ai còn tình nguyện ra tay trước?
Tào Tháo thấy mọi người chỉ lo bảo toàn lực lượng, không dám đánh
Đổng Trác thì tức giận, liền tự mình dẫn 5000 người ngựa, tiến binh về
Thành Cao (nay là Trấn Dĩ Thủy, Huỳnh Dương, Hà Nam). Đổng Trác
nghe tin Tào Tháo tiến binh về Thành Cao, liền bố trí sẵn thế trận ở Biện
Thủy (nay ở tây nam Huỳnh Dương, Hà Nam). Quân Tào Tháo vừa tới
Biện Thủy, thì gặp bộ tướng của Đổng Trác là Từ Vinh đánh chặn. Quân
Từ Vinh đông, quân Tào Tháo ít, vừa giao chiến quân Tào Tháo đã tan vỡ.
Trong khi cưỡi tháo lui, Tào Tháo trúng một mũi tên vào vai, vội thúc ngựa
chạy gấp. Một phát tên khác lại trúng vào con ngựa, ngựa giật mình, hất
Tào Tháo ngã xuống đất. Quân Từ Vinh từ phía sau đang la hét đuổi tới
gần. Trong lúc nguy cấp, Tào Hồng tới kịp, nhường ngựa cho Tào Tháo,
ông ta mới chạy thoát.