Tôn Quyền đưa thư cho các quan xem, đại đa số đều hoảng sợ, không
biết nói sao. Trương Chiêu là đại thần kì cựu nhất của Đông Ngô, nói: "Tào
Tháo dùng danh nghĩa thiên tử đem quân thảo phạt. Nếu chúng ta chống
lại, là thua về lý. Vả lại, xưa nay chúng ta vẫn dựa vào sự hiểm trở của
Trường Giang, nay ưu thế đó không còn nữa. Tào Tháo đã chiếm được
Kinh Châu, có hàng ngàn chiến thuyền. Chúng tiến đánh theo cả 2 đường
thủy bộ thì ta chống đỡ sao nổi. Vì vậy, theo thiển ý, ta chỉ còn có cách đầu
hàng thôi".
Trương Chiêu nói xong, có rất nhiều người phụ họa. Chỉ có Lỗ Túc im
lặng, lạnh lùng nghe, không nói một lời. Tôn Quyền thấy thế rất bực dọc,
bỏ cuộc họp đi ra ngoài, Lỗ Túc liền ra theo. Tôn Quyền kéo tay Lỗ Túc,
hỏi: "Tiên sinh thử nói xem, nên thế nào bây giờ?".
Lỗ Túc nói: "Ý kiến bọn Trương Chiêu vừa rồi không thể nghe theo
được. Nếu nói chuyện đầu hàng thì Lỗ Túc này đầu hàng còn được chứ
tướng quân sao có thể làm như thế. Bởi vì nếu đầu hàng thì Túc này có thể
bỏ về quê, giao du với các danh sĩ, gặp cơ hội còn có thể làm quan cấp
châu, quận. Còn nếu tướng quân đầu hàng, thì 6 quận Giang Đông này đều
rơi vào tay Tào Tháo, tướng quân còn biết đi đâu?".
Tôn Quyền thở dài nói: "Lời của mọi người vừa rồi, thật khiến Quyền
này vô cùng thất vọng. Chỉ có lời tiên sinh mới hợp ý ta".
Tan họp, Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền triệu tập ngay Chu Du đang ở
Phiên Dương về để bàn bạc. Chu Du về đến Sài Tang, Tôn Quyền lại triệu
tập các quan văn võ lại họp bàn. Trong cuộc họp, Chu Du khảng khái nói:
"Tào Tháo về danh nghĩa là thừa tướng triều Hán, nhưng thực tế là gian tặc
triều Hán. Lần này hắn đến đây là tự tìm lấy cái chết, sao có thể đầu hàng
hắn được?". Tiếp đó, Chu Du phân tích cho mọi người rất nhiều điều bất lợi
của Tào Tháo: quân miền bắc không quen thủy chiến, lại từ xa xôi tới một
chiến trường lạ lẫm, thủy thổ không hợp, nhất định sẽ phát sinh tật bệnh.
Binh mã tuy nhiều, nhưng không thể phát huy được tác dụng.