Nghe Chu Du phân tích, Tôn Quyền hết do dự, cả quyết đứng lên, rút
phăng bảo kiếm, chém sạt một góc bàn, rồi nghiêm nghị tuyên bố: "Ý ta đã
quyết, ai còn nói đến chuyện đầu hàng thì sẽ như chiếc bàn này".
Tối hôm đó, Chu Du lại một mình đến gặp Tôn Quyền nói: "Tôi đã
cho quân do thám tìm hiểu rõ ràng, Tào Tháo hư trương thanh thế, nói là có
80 vạn quân; kì thực chỉ có hơn 20 vạn, trong đó lại có nhiều quân mới thu
phục ở Kinh Châu, không thật lòng theo Tào. Chỉ xin tướng quân trao cho
tôi 5 vạn tinh binh, tôi bảo đảm đánh bại được hắn".
Hôm sau, Tôn Quyền phong Chu Du làm đô đốc, giao cho chỉ huy 3
vạn thủy quân, hiệp lực với Lưu Bị cùng chống lại Tào Tháo. Chu Du lĩnh
binh tiến quân, gặp tiền quân Tào Tháo ở Xích Bích (nay ở núi Xích Cơ, ở
phía tây huyện Vũ Xương, Hồ Bắc). Quả nhiên đúng như dự liệu của Chu
Du, quân Tào nhiều người không quen thủy thổ, đã phát sinh dịch bệnh.
Hai bên chạm trán, tiền quân của Tào Tháo thua trận, buộc phải rút về bờ
bắc Trường Giang. Chu Du dẫn quân đóng ở miền nam, 2 bên đối diện
ghìm giữ nhau. Đúng như nhận định của Chu Du, binh sĩ quân Tào là người
miền bắc, không quen thủy chiến, mỗi khi gặp sóng gió, binh sĩ trên thuyền
say sóng, không còn sức chiến đấu. Tào Tháo phải cho xích chặt các thuyền
lại với nhau để thuyền đỡ chòng chành.
Hoàng Cái, bộ tướng của Chu Du thấy tình hình đó, liền hiến kế:
"Quân Tào nhiều, quân ta ít, nếu tách riêng thuyền ra thì ta bất lợi, nay
chúng đã liên kết cả lại bằng xích sắt thì theo thiển ý của tiểu tướng, ta có
thể dùng hỏa công để đánh bại chúng".
Chu Du thấy đó là 1 ý kiến hay liền bàn với Hoàng Cái, sai Hoàng Cái
viết 1 bức thư gửi sang cho Tào Tháo, xin tình nguyện rời bỏ Đông Ngô,
đem chiến thuyền dưới quyền sang hàng Tào. Tào Tháo cho rằng trước lực
lượng mạnh của mình, các tướng lĩnh Đông Ngô dao động muốn hàng là
điều tự nhiên, nên không đề phòng gì. Hoàng Cái sai binh sĩ chuẩn bị 10
thuyền lớn, trên chất đầy củi nỏ và cỏ khô tẩm dầu, bên ngoài phủ vải che