không chỉ săn bắt được thú trên mặt đất mà còn bắn được chim bay trên
trời, và bắt được cá sống dưới nước. Những chim, thú bắt được, số còn
sống chưa ăn thì có thể giữ lại để ăn dần. Như vậy người ta dần học được
cách chăn nuôi, những công việc đan lưới, săn bắt, chăn nuôi đều là kinh
nghiệm tích lũy trong nhiều năm của nhiều người. Nhưng truyền thuyết lại
nói là do Phục Hy hay Bào Hy phát minh ra. Thời kì săn bắt không biết kéo
dài bao lâu, nhưng nền văn minh nhân loại càng ngày càng phát triển lên.
Ban đầu người ta ngẫu nhiên đánh rơi hạt ngũ cốc xuống đất, đến năm sau
thấy có cây lúa mọc lên và tới mùa thu thì thấy có nhiều bông và hạt. Từ sự
gợi ý đó, người ta bắt đầu gieo trồng. Ban đầu người ta dùng gỗ chế ra
nông cụ, cày bừa để trồng lúa, ngũ cốc; thu hoạch ngày càng nhiều. Công
việc đó, truyền thuyết lại gán cho một người là Thần Nông. Thần Nông
trong truyền thuyết còn là người nếm thử các loại cây quả và thảo mộc,
không những ông tìm ra các loại thực phẩm mà còn tìm ra các loại cây cỏ
làm thuốc, nhờ đó bắt đầu có nghề y.
Những nhân vật lớn trong truyền thuyết từ Hữu Sào đến Thần Nông
trên thực tế không tồn tại, nhưng những sự việc như làm tổ trên cây, dùi cây
lấy lửa cho đến những việc đánh cá bắt thú, phát triển nông nghiệp...đã
phản ánh việc phát triển sức sản xuất của người nguyên thủy rất hợp với lý
lẽ. Năm 1952 ở thôn Bán Pha, thuộc Tây An, Thiểm Tây đã phát hiện thấy
di chỉ một thôn xóm trước đây khoảng 6-7 ngàn năm. Những đồ vật khai
quật được tại di chỉ đó giúp ta biết được rằng, ở thời kì đó người ta đã biết
cách chăn nuôi và trồng trọt.