đại binh tới Nhai Đình, thấy Mã Tốc bỏ không dùng thành trì sẵn có dưới
núi mà lại mang quân lên đóng trên núi thì mừng lắm, lập tức điều quân
chiếm lấy thành lũy dưới núi, rồi vây chặt trái núi có quân Mã Tốc đóng
trên đó. Mã Tốc nhiều lần ra lệnh cho quân xông xuống núi, nhưng do
Trương Cáp giữ vững thành lũy, quân Thục không sao phá được, lại bị quân
Ngụy bắn chết khá nhiều. Quân Ngụy xiết chặt vòng vây và cắt đứt nguồn
nước, khiến quân Thục không có nước nấu cơm, dần dần sinh ra rối loạn.
Trương Cáp thấy cơ hội đã đến, liền ra lệnh tổng công kích. Quân Thục tan
vỡ, đua nhau lủi trốn, không sao ngăn cản được. Cuối cùng Mã Tốc đành
liều chết phá vây chạy về hướng tây.
Vương Bình có 1000 binh mã, giữ vững dinh trại. Thấy quân Mã Tốc
bị bị đánh bại, liền hạ lệnh thúc trống, làm ra vẻ chuẩn bị tiến công. Trương
Cáp ngỡ là quân Thục có mai phục nên không dám tới gần. Vương Bình
chỉnh đốn đội ngũ, rồi từ từ rút về, không những không tổn thất 1 tên lính
nào, mà còn thu nhận được một số quân tán lạc của Mã Tốc nữa. Nhai Đình
thất thủ, quân Thục bị mất 1 cứ điểm quan trọng, lại tổn thất nhiều người
ngựa. Để tránh bị tổn thất lớn hơn nữa, Gia Cát Lượng đành rút lui toàn bộ
về Hán Trung. Về tới Hán Trung, qua thẩm vấn, được biết việc mất Nhai
Đình do hoàn toàn là lỗi của Mã Tốc đã không tuân theo mệnh lệnh về việc
bố trí quân đội. Mã Tốc cũng không thể không thừa nhận lầm lỗi của mình.
Theo quân pháp, Gia Cát Lượng hạ lệnh đưa Mã Tốc vào nhà giam và định
vào tử tội.
Mã Tốc tự biết mình không thể tránh khỏi chết, liền từ trong ngục viết
1 lá thư cho Gia Cát Lượng. Thư viết: "Thường ngày thừa tướng đối đãi với
mạt tướng thân thiết như đối với con đẻ của mình. Mạt tướng cũng kính
trọng thừa tướng như cha. Lần này mạt tướng phạm vào tử tội, không dám
kêu oan, chỉ cúi xin thừa tướng đoái thương con cái của mạt tướng, như vua
Thuấn ngày xưa đã giết Cổn mà dùng Vũ. Được như vậy, mạt tướng dù có
chết cũng được yên lòng".