Tể tướng Phòng Huyền Linh nói cho Đường Thái Tông biết điều đó.
Đường Thái Tông cười nói: "Triều đình đặt ra quan chức để cai trị đất
nước, cần phải chọn người hiền tài, chứ sao lại lấy mối quan hệ để làm tiêu
chuẩn chọn lựa. Nếu người mới có tài năng, người cũ không có tài năng thì
không nên bài xích người mới mà cứ sử dụng người cũ!". Mọi người nghe
nói lại, không nói gì được nữa.
Đường Thái Tông không ghi thù hận cũ, biết lựa chọn nhân tài và
khuyến khích các đại thần nói thẳng ý kiến của mình. Vì vậy, có việc gì các
đại thần đều mạnh dạn nói ra, đặc biệt là Ngụy Trưng, luôn suy nghĩ chu
đáo mọi công việc của triều đình, có ý kiến gì đều trực tiếp nói với Đường
Thái Tông. Đường Thái Tông cũng hết sức tín nhiệm ông, thường gọi ông
vào nội cung để nghe ông trình bày. Có lần, Đường Thái Tông hỏi Ngụy
Trưng: "Các hoàng đế trong lịch sử, tại sao có người rất sáng suốt, có người
lại rất u mê?".
Ngụy Trưng trả lời: "Ai biết lắng nghe mọi ý kiến thì sẽ sáng suốt, ai
chỉ nghe theo một loại ý kiến thì sẽ u mê". Rồi ông kể ra các thí dụ về
Nghiêu, Thuấn và Tần Nhị Thế, Lương Vũ Đế, Tùy Dạng Đế và nói: "Vị
hoàng đế nào trong khi cai trị thiên hạ, biết tiếp nhận ý kiến của bên dưới
thì tình hình bên dưới có thể thông suốt lên trên, những kẻ thân tín bên
mình muốn che đậy cũng không được".
Đường Thái Tông gật đầu lia lịa, nói: "Đúng! Đúng! Khanh nói rất
đúng!".
Một hôm khác, sau khi đọc xong văn tập của Tùy Dạng Đế, Đường
Thái Tông nói với các đại thần tả hữu: "Trẫm thấy Tùy Dạng Đế là người
có học vấn uyên bác, biết rõ Nghiêu, Thuấn là tốt; Kiệt, trụ là xấu; mà tại
sao ông ta lại hành động buông thả vô độ như vậy?".
Ngụy Trưng đáp ngay: "Một hoàng đế mà chỉ dựa vào thông minh
uyên bác thì không đủ mà còn phải khiêm tốn lắng nghe ý kiến các bày tôi.