Tùy Dạng Đế tự cho mình là tài cao, nên kiêu ngạo tự mãn, nói lời nói của
Nghiêu, Thuấn, nhưng làm những việc của Kiệt, Trụ; càng về sau càng hồ
đồ nên đã tự tạo nên sự diệt vong".
Đường Thái Tông nghe xong, xúc động sâu xa, thở dài nói: "Ồ, những
bài học của quá khứ đúng là thầy dạy của chúng ta".
Thấy chính quyền ngày càng được củng cố, Đường Thái Tông rất
phấn khởi. Ông thấy những lời khuyên của các đại thần rất có ích cho mình,
nên nói với họ: "Trị nước giống như trị bệnh. Tuy bệnh đã khỏi, vẫn cần
chăm sóc thân thể cho tốt, không thể buông thả. Nay Trung nguyên đã an
định, bốn phương đã qui phục, từ xưa tới nay hiếm có thời kỳ nào được như
thế này. Nhưng chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng, chỉ lo rằng không giữ
được như thế này mãi. Vì vậy, trẫm còn phải tiếp tục nghe ý kiến can gián
của chư khanh".
Ngụy Trưng nói: "Trong hoàn cảnh an bình mà bệ hạ còn lo nghĩ tới
lúc nguy cấp thì chúng thần hết sức phấn khởi".
Sau đó, càng ngày Ngụy Trưng càng nêu nhiều ý kiến. Hễ thấy Thái
Tông có điểm gì không đúng là ông đều ra sức tranh biện. Có lúc, Đường
Thái Tông thấy khó chịu, sầm mặt lại, nhưng Ngụy Trưng vẫn tiếp tục nói,
khiến Đường Thái Tông không dứt ra được. Một lần, khi lâm triều, Ngụy
Trưng tranh cãi với Đường Thái Tông đến đỏ mặt tía tai. Đường Thái Tông
không muốn nghe nữa toan nổi nóng, nhưng lại ngại làm như thế trước mặt
các đại thần thì làm mất tiếng tốt xưa nay là chịu tiếp thu ý kiến của các đại
thần, nên ông đành gắng nhịn. Sau khi thoái triều, Đường Thái Tông hầm
hầm tức giận trở về nội cung, vừa gặp mặt Trưởng Tôn hoàng hậu, liền bực
tức nói: "Thế nào cũng có ngày ta phải giết chết lão già nhà quê đó".
Trưởng Tôn hoàng hậu rất ít khi thấy Thái Tông nổi nóng như vậy,
liền hỏi: "Chẳng hay bệ hạ định giết ai vậy?".