Lý Thắng lại phải nói rành rọt lại 1 lần nữa, Tư Mã Ý mới nghe ra, rồi
thở dốc lên nói: "Ta già quá rồi, mắt mờ tai điếc, không nghe rõ lời ngài.
Ngài được về Kinh Châu thì tốt quá rồi".
Lý Thắng cáo từ ra về, nói tường tận cho Tào Sảng nghe, rồi nói thêm:
"Thái phó chỉ còn chút hơi tàn, đại tướng quân chẳng phải lo gì nữa".
Tào Sảng nghe nói, rất vui mừng và hoàn toàn yên tâm. Năm 249,
nhân ngày đầu năm, Ngụy Thiếu Đế Tào Phương dân bá quan ra ngoài
thành để tế lễ tại khu lăng mộ các tiên đế. Tào Sảng và toàn bộ tay chân
thân tín đều đi theo. Vì cho rằng Tư Mã Ý bệnh nặng, nên không có ai tới
mời ông ta đi cùng. Ngờ đâu, khi biết Tào Sảng và thân tín ra hết khỏi
hoàng thành. Tư Mã Ý liền hết mọi bệnh tật, mặc khôi giáp, lên ngựa, dẫn
2 con là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu đem binh mã chiếm cửa thành và kho
vũ khí, đồng thời giả truyền chiếu lệnh của Hoàng thái hậu, cách chức đại
tướng quân của Tào Sảng. Được tin, Tào Sảng và thân tín cuống cuồng rối
loạn, không biết đối phó ra sao.
Có người xui ông ta mang Thiếu đế rút về Hứa đô, lệnh cho các nơi
đem binh mã về đánh bại Tư Mã Ý. Nếu làm như vậy thì nhất định sẽ đẩy
Tư Mã Ý vào thế khó khăn. Nhưng Tào Sảng và đám họ hàng thân tín đều
là 1 lũ bất tài chỉ quen ăn chơi hưởng lạc, làm gì có dũng khí để thực hiện
kế sách đó. Đúng lúc đó, Tư Mã Ý lại phái người đến khuyên Tào Sảng đầu
hàng, nói là chỉ yêu cầu giao lại binh quyền chứ không có ý gì làm hại. Tào
Sảng liền ngoan ngoãn xin hàng. Mấy hôm sau, dựa vào 1 lời cáo giác là
phe cánh Tào Sảng chuẩn bị làm phản, Tư Mã Ý liền cho bắt toàn bộ và
đem xử tử.
Sau sự việc đó, chính quyền trong nước Ngụy trên danh nghĩa vẫn là
của họ Tào, nhưng trên thực tế đã hoàn toàn chuyển sang tay họ Tư Mã.