Lưu Thiền nhớ tới lời Khích Chính dặn, liền cố gắng đáp lại đúng
từng câu từng chữ, 1 mặt cố làm ra dáng bi thương, nhưng không sao rặn ra
được nước mắt, đành nhắm tịt mắt lại. Tư Mã Chiêu thấy bộ dạng đó, đã
đoán biết được, liền cười lớn hỏi: "Câu nói này sao có vẻ giống lời lẽ Khích
Chính thế?".
Lưu Thiền giật mình mở mắt, ngây người nhìn Tư Mã Chiêu: "Dạ
đúng! Đúng là Khích Chính dạy Thiền này nói như thế".
Tư Mã Chiêu cười vang, tùy tòng tả hữu cũng không ai nhịn được
cười. Từ đó, Tư Mã Chiêu thấy rõ Lưu Thiền là kẻ đớn hèn vô dụng, chẳng
có thể làm hại gì mình được, liền bỏ qua, không giết. Sự đớn hèn, ngu ngốc
của Lưu Thiền trở thành nổi tiếng trong lịch sử. Cho tới ngày nay, người ta
vẫn dùng câu "đớn hèn như A Đẩu" để nói về những kẻ ngu ngốc, vô dụng.
VƯƠNG TUẤN DÙNG LÂU THUYỀN ĐÁNH NGÔ
Sau khi diệt được Thục Hán, Tư Mã Chiêu chưa kịp đánh Đông Ngô
thì đã bị bệnh mất. Con Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm phế luôn hoàng đế bù
nhìn là Ngụy Nguyên đế Tào Hoán, tự mình lên làm hoàng đế, lập ra triều
Tấn. Đó là Tấn Vũ Đế. Từ năm 265 đến năm 316, triều Tấn đóng đô ở Lạc
Dương, lịch sử gọi triều đại đó là Tây Tấn. Khi triều Tây Tấn được kiến
lập, thì Đông Ngô, nước duy nhất còn lại của thời Tam quốc đã rất suy yếu.
Tôn Hạo, hoàng đế cuối cùng của Đông Ngô là 1 bạo quân nổi tiếng, ngoài
việc xây dựng cung thất, hưởng lạc xa xỉ, ông ta còn dùng những hình phạt
tàn khốc vô nhân đạo như lột da móc mắt để trấn áp nhân dân, nên trên từ
quan lại, dưới tới dân đen đều căm ghét.
Năm 279, một số đại thần triều Tấn cho rằng thời cơ đã chín muồi,
đều khuyên Tấn Vũ Đế diệt Đông Ngô. Tấn Vũ Đế liền huy động hơn 20
vạn quân, chia làm mấy đường tiến công Kiến Nghiệp (nay là thành phố
Nam Kinh, tỉnh Giang Tô). Trấn Nam đại tướng quân Đỗ Dự chỉ huy cánh
quân đi giữa, tiến xuống Giang Lăng; An Đông tướng quân Vương Hồn chỉ