doanh" (doanh trại của những người quân tử). Do Thạch Lặc anh dũng
thiện chiến, lại được nhiều mưu sĩ như Trương Tân giúp bày mưu lập kế,
nên thế lực ngày càng lớn mạnh. Đến năm 328, Thạch Lặc tiêu diệt được
Lưu Diệu. Hai năm sau (330), Thạch Lặc tự xưng hoàng đế ở Tương Quốc,
vẫn lấy quốc hiệu là Triệu. Lịch sử gọi nước Triệu của Lưu Diệu là "Tiền
Triệu" và nước Triệu do Thạch Lặc lập nên là "Hậu Triệu".
Bản thân Thạch Lặc không có văn hóa nhưng lại hết sức coi trọng các
bậc thức giả. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Thạch Lặc hạ lệnh cho cấp dưới,
mỗi khi bắt được 1 người có học thì không được phép giết mà phải giải về
Tương Quốc để ông xử lý. Nghe Trương Tân, ông cho mở trường học, yêu
cầu con em và các tướng dưới quyền đến trường học tập. Ông còn lập ra
chế độ tiến cử và chế độ thi tuyển. Phàm những người do các địa phương
tiến cử lên, qua bình xét thấy hợp cách, đều được tuyển dụng làm quan.
Thạch Lặc nghiêm cấm cấp dưới nói tới chữ "Hồ", "Kiệt", nhưng để phù dụ
kẻ sĩ người Hán, đôi khi ông cũng bỏ qua không trị tội khi họ lỡ dùng theo
thói quen. Một lần, có 1 người Hán là Phàn Đản được bổ dụng làm quan.
Khi Phàn Đản vào cung triều kiến, trên mình, áo quần rất rách rưới. Thạch
Lặc ngạc nhiên hỏi: "Khanh sao lại nghèo khổ tới mức này?"
Phàn Đản quên mất lệnh cấm, liền trả lời: "Gia đình thần vừa gặp một
lũ giặc Kiệt, chúng cướp bóc sạch sành sanh, đến một bộ quần áo cho ra
hồn cũng còn nữa".
Thạch Lặc thấy anh ta gặp rủi ro, liền an ủi: "Bọn giặc Kiệt cướp bóc
bừa bãi như thế thật là bậy. Ta sẽ thay chúng để đền cho khanh".
Phàn Đản chợt nhớ ra, thấy mình đã xúc phạm tới hoàng đế thì sợ hãi
run lẩy bẩy, cuống quýt dập đầu xin chịu tội. Thạch Lặc cười nói: "Lệnh
cấm đó của ta là để đối phó với dân thường. Còn đối với những người có
học như khanh, ta không trách". Nói xong, sai người đền trả Phàn Đản 1 số
quần áo, tiền bạc, còn thưởng cho 1 cỗ xe, 1 con ngựa.