người tị nạn, nhường ngựa xe cho người già cả, ốm yếu, bỏ lương thực,
quần áo của gia đình mình cho mọi người cùng sử dụng. Mọi người hết sức
kính trọng ông, đồng thanh tiến cử ông làm thủ lĩnh. Khi đến Tứ Khẩu (nay
ở phía bắc thành phố Thanh Giang, tỉnh Giang Tô), thủ hạ của Tổ Địch đã
bao gồm nhiều tráng sĩ. Họ đều là người miền bắc đã buộc lòng rời bỏ quê
hương. Tất cả đều mong muốn Tổ Địch lãnh đạo, dẫn dắt họ sớm trở về
khôi phục lại Trung nguyên.
Lúc đó, Tư Mã Duệ chưa nhường ngôi hoàng đế. Tổ Địch vượt
Trường Giang, đến Kiến Khang, khuyên Lang Nha vương Tư Mã Duệ:
"Triều Tấn đại loạn, chủ yếu là do nội bộ hoàng thất tàn sát lẫn nhau, khiến
cho người Hồ nhân cơ hội tiến công Trung nguyên. Nay trăm họ ở Trung
nguyên bị kẻ địch bức bại tàn khốc, ai cũng muốn vùng lên chống lại. Chỉ
cần đại vương hạ lệnh xuất binh, cử chúng tôi đi thu phục lại đất đai đã
mất, thì nhân dân khắp các vùng ở miền bắc sẽ rầm rộ hưởng ứng".
Tư Mã Duệ vốn không có ý định thu phục Trung nguyên, nhưng thấy
Tổ Địch nói có tình, có ký, không tiện từ chối, đành miễn cưỡng đáp ứng
yêu cầu của ông, cử ông làm thứ sử Dự Châu (là vùng gồm phía đông tỉnh
Hà Nam và phía bắc tỉnh An Huy ngày nay), cấp cho ông số lương thực đủ
nuôi 1000 người, cùng 3000 tấm vải. Còn người ngựa và vũ khí thì do Tổ
Địch tự lo liệu. Tổ Địch khắc phục mọi khó khăn, lấy mấy trăm người thân
thuộc đi theo mình từ miền bắc xuống làm nòng cốt, tổ chức 1 đội quân, tự
sắm sửa thuyền bè vũ khí, vượt Trường Giang tiến lên vùng bị chiếm. Khi
thuyền tới giữa sông, Tổ Địch dùng mái chèo đập vào mạn thuyền, thề với
mọi người: "Tổ Địch này, nếu không quét sạch được quân địch chiếm lĩnh
Trung nguyên thì quyết không qua con sông này nữa". Giọng nói hùng hồn
và ý chí gang thép của ông khiến mọi tráng sĩ đi theo đều xúc động, càng
thêm hăng hái.
Đến Hoài Âm, họ dừng lại chiêu mộ thêm binh mã, rèn thêm vũ khí,
tăng lực lượng lên hơn 2000 người ngựa, sau đó tiến thẳng lên phía bắc.