họ. Việc đánh Đông Tấn đúng là có rất nhiều khó khăn. Thêm nữa, quân ta
gần đây năm nào cũng ra đánh trận, binh sĩ cũng đã quá mỏi mệt, không
muốn lại đi đánh trận nữa. Những người phát biểu hôm nay đều là các
trung thần. Dám mong hoàng huynh bệ hạ tiếp nhận ý kiến của họ".
Phù Kiên không ngờ ngay cả Phù Dung cũng chống lại chủ trương của
mình, liền xầm mặt lại, nói: "Ngay cả ngươi cũng thở ra cái giọng khiếp
nhược đó sao. Ta lấy làm thất vọng về ngươi. Trong tay ta có trăm vạn tinh
binh, vũ khí lương thảo chất cao như núi. Đánh kẻ địch quèn như Đông
Tấn, sao có thể không thắng lợi được?".
Phù Dung thấy Phù Kiên cứ khăng khăng giữ chủ trương sai lầm đó
thì muốn bật khóc, liền cố van xin Phù Kiên: "Hiện nay mà đánh Tấn,
không những không có hy vọng thắng lợi mà thêm nữa, tại kinh đô Trường
An hiện có rất nhiều người Tiên Ty, người Khương, người Kiệt. Nếu bệ hạ
rời khỏi Trường An đi viễn chinh, bọn họ sẽ vùng lên làm phản, thì sau này
có hối cũng không kịp nữa. Lẽ nào bệ hạ đã quên lời Vương Mãnh dặn lại
lúc lâm chung?".
Sau lần đó còn có rất nhiều đại thần cố khuyên Phù Kiên không nên
đánh Tấn, Phù Kiên đều bỏ ngoài tai. Một hôm, quan kinh triệu doãn Mộ
Dung Thùy vào xin yết kiến, Phù Kiên yêu cầu Mộ Dung Thùy nói lên ý
kiến của mình đối với việc đánh Tấn. Mộ Dung Thùy nói: "Nước mạnh
thôn tính nước yếu, đó là lẽ thường. Bậc quân vương anh minh như bệ hạ,
trong tay có trăm vạn hùng sư, khắp triều đình đầy mưu thần võ tướng tài
giỏi, diệt một nước nhỏ như nước Tấn là chuyện hết sức dễ dàng. Bệ hạ cứ
đưa ra ý kiến quyết định là được, hà tất phải trưng cầu ý kiến nhiều người
nữa".
Phù Kiên nghe lời Mộ Dung Thùy thì vui mừng hớn hở, cười nói:
"Xem ra người có thể cùng ta bình định thiên hạ chỉ có khanh mà thôi". Nói
xong lập tức hạ lệnh lấy 500 tấm đoạn thưởng cho Mộ Dung Thùy.