người mà mấy năm trước đã từng kiên quyết chống lại quân Tiền Tần ở
Tương Dương và bị bắt sống. Người đó là Chu Tự.
Từ sau khi bị bắt, Chu Tự được Phù Kiên trọng dụng, cho làm thượng
thư trong triều, nhưng thâm tâm bao giờ cũng hướng về triều Tấn. Khi
được cử đi thuyết hàng, gặp lại Tạ Thạch, Tạ Huyền, Chu Tự cảm thấy thân
thiết như gặp lại người thân. Vì vậy không những không thuyết hàng theo
lời dặn của Phù Kiên, mà ngược lại Chu Tự còn tiết lộ cho Tạ Thạch, Tạ
Huyền biết tình hình nội bộ của Tiền Tần. Chu Tự nói: "Lần này Phù Kiên
đem hàng trăm vạn quân xuống đánh Đông Tấn. Nếu chúng tập trung được
lực lượng đó, e rằng Đông Tấn không thể nào chống đỡ nổi. Nay nhân lúc
quân đội của chúng chưa tới được đầy đủ mà nhanh chóng tổ chức cuộc
tiến công, đánh bại đội tiên phong để làm tổn thương sĩ khí của chúng, thì
có thể đánh bại quân Tần".
Sau khi Chu Tự trở về Tần, Tạ Thạch suy đi tính lại, thấy binh lực của
quân Tần ở Thọ Dương rất mạnh, không chắc thắng được, nên nếu cứ cố
gắng tăng cường phòng thủ thì đảm bảo hơn. Nhưng con Tạ Thạch là Tạ
Viên cố khuyên Tạ Thạch nên nghe theo lời của Chu Tự, gấp rút tổ chức
tiến công. Tạ Thạch lại bàn bạc với Tạ Huyền rồi quyết định cử danh tướng
Lưu Lao Chi dẫn 5000 quân tinh nhuệ của Bắc Phủ binh tập kích bất ngờ
vào quân Tần ở Lạc Gián. Đội quân này quả là danh bất hư truyền, họ dũng
mãnh như hùm mọc cánh, tiến đánh ào ạt vào Lạc Gián. Quân Tần phòng
giữ ở đây không phải là đối thủ của đội quân thiện chiến này, qua 1 thời
gian ngắn gắng gượng, chống đỡ không nổi, đã bị đánh bại; tướng Lương
Thành đã bị quân Tấn giết chết. Quân Tần tranh nhau vượt Hoài Hà trốn
chạy, số lớn bị chết đuối giữa dòng. Trận thắng Lạc Gián khiến tinh thần
quân đội Tấn tăng cao. Tạ Thạch, Tạ Huyền hạ lệnh cho Lưu Lao Chi đem
quân cứu viện cho Hồ Bân ở Hiệp Thạch, đồng thời chỉ huy đại quân thừa
thắng tiến lên, tới tận bờ phía đông Phì Thủy (nay là Phì Hà - tức sông Phì
ở phía nam huyện Thọ, An Huy), đem quân lên đóng cạnh Bát Đông Sơn,
đối diện với quân Tần đang đóng ở Thọ Dương, bên bờ phía tây.