Phù Kiên sau khi cử Chu Tự đi khuyên hàng, đang dương dương đắc ý
chờ quân Tấn mang thư hàng tới; nay đột nhiên nghe tin Lạc Gián thất thủ
thì choáng váng như bị 1 gậy giáng vào đầu. Ông ta cùng Phù Dung đi lên
lầu thành Thọ Dương để quan sát tình hình quân Tấn bên kia sông. Phù
Kiên đứng trên lầu thành nhìn sang, thấy lều trại quân Tấn hàng ngũ chỉnh
tề, quân Tấn cầm vũ khí đi lại tuần phòng nghiêm ngặt, thế trận vững chắc,
uy nghiêm. Nhìn về phía xa, thấy trên Bát Công Sơn thấp thoáng có nhiều
binh lính Tấn. Sự thực do Phù Kiên hoang mang lóa mắt, nhiều cỏ cây lay
động trên Bát Công Sơn lại tưởng nhầm thành quân Tấn (văn ngôn Trung
Quốc gọi cảm giác này của Phù Kiên là "thảo mộc giai binh"). Phù Kiên
hơi sợ, quay đầu lại nói với Phù Dung: "Đây đúng là một kẻ địch mạnh!
Sao có thể nói chúng là quá yếu được".
Từ đó Phù Kiên hạ lệnh cho quân Tần phòng thủ nghiêm ngặt, quân
Tấn vì vậy rất khó vượt được Phì Thủy. Tạ Thạch, Tạ Huyền hết sức lo
lắng, nếu cứ kéo dài như vậy, e khi quân Tần đến đủ thì càng bất lợi cho
quân Tấn. Tạ Huyền nghĩ ra 1 mẹo, cho người mang thư sang Phù Kiên
nói: "Các ngài đem đại quân đi sâu vào đất nước Tấn, mà hiện nay lại dàn
trận lên bờ Phì Thủy, án binh bất động. Như vậy chẳng lẽ các ngài ngại
giao chiến hay sao? Nếu các ngài chịu lui quân về phía sau một chút,
nhường ra một khu đất, để chúng tôi vượt sông bày trận rồi sẽ so tài cao
thấp, thì mới được coi là có đảm lược".
Phù Kiên nhận được thư, tự nghĩ: "Nếu không chấp nhận yêu cầu đó
thì chẳng phải là mình sợ quân Tấn hay sao?". Liền triệu tập các tướng đến,
hạ lệnh: "Quân Tấn đề nghị chúng ta nhường ra một vùng đất để họ bày
trận. Chúng ta hãy lùi lại một chút, chờ khi quân chúng đang vượt sông, sẽ
dùng kỵ binh xông lên, đảm bảo sẽ tiêu diệt được chúng".
Tạ Thạch, Tạ Huyền được tin quân Tần chấp nhận lui quân, liền nhanh
chóng chỉnh đốn người ngựa chuẩn bị vượt sông tiến công. Tới thời gian 2
bên đã thỏa thuận, Phù Kiên ra lệnh cho Phù Dung chỉ huy quân Tần lui về