tính mạng. Nguyên do là vào những năm cuối đời, Đường Hiến Tông rất
mê tín Phật giáo. Ông ta nghe nói trong chùa Pháp Môn ở Phượng Tường
có 1 ngôi bảo tháp tên là Hộ quốc chân thân tháp. Trong tháp có thờ 1 đốt
xương, tương truyền là đốt xương ngón tay của Thích Ca Mâu Ni, cứ 30
năm mới mở ra 1 lần cho mọi người vào chiêm ngưỡng, lễ bái. Làm việc đó
thì có thể cầu được mưa thuận gió hòa, mọi người bình an. Đường Hiến
Tông tin vào lời đồn đó, liền cử 1 đoàn gồm 30 người đến chùa Pháp Môn,
tổ chức 1 cuộc đón rước long trọng, đưa đốt xương đó về Trường An.
Trước hết, ông để đốt xương đó trong hoàng cung để thờ phụng. Sau đó,
rước ra chùa cho mọi người chiêm ngưỡng. Tất cả vương công đại thần
thấy hoàng đế cung kính thành tâm như thế thì dù bản thân tin hay không,
cũng đều hùa theo. Rất nhiều người tìm mọi cách để tạo được cơ hội tới
chiêm ngưỡng xương phật. Kẻ có tiền thì quyên góp tiền hương hỏa, người
không có tiền thì xin những nén hương trong chùa để châm thành vết bỏng
trên đầu và cánh tay, coi như biểu lộ lòng thành kính với Đức Phật.
Hàn Dũ xưa nay vốn không tin phật, nên càng không tin việc chiêm
ngưỡng xương phật. Ông rất không hài lòng trước việc phô trương lãng phí
để rước xương phật, nên liền dâng lên Đường Hiến Tông 1 sớ tấu, khuyên
can Hiến Tông không nên tiến hành hoạt động mê tín. Trong sớ tấu, ông
nói: ở Trung Quốc thời xưa không có Phật, chỉ từ sau thời Hán Minh Đế,
đạo Phật mới từ Tây Vực truyền vào. Ông còn nói, trong lịch sử, phàm
những vương triều nào tin vào Phật đều có thọ mệnh ngắn, đủ thấy Phật là
không đáng tin.. Đường Hiến Tông xem sớ tấu đó, đùng đùng nổi giận, lập
tức gọi tể tướng Bùi Độ tới, nói Hàn Dũ dám phỉ báng triều đình, không thể
không xử tội chết. Bùi Độ vội vàng cầu xin cho Hàn Dũ, Đường Hiến Tông
hơi dịu cơn giận, nói: "Hàn Dũ nói trẫm tin Phật quá mức, trẫm còn có thể
khoan thứ cho hắn; nhưng hắn lại còn nói hoàng đế nào tin vào Phật thì thọ
mệnh đều ngắn. Như thế chẳng phải là hắn rủa trẫm hay sao? Chỉ riêng
điều đó thôi, trẫm đã không thể tha cho hắn".