Sau đó cũng có nhiều người kêu xin giúp Hàn Dũ, Đường Hiến Tông
mới không giết ông, mà chỉ giáng chức, điều ông đi làm thứ sử Triều Châu.
Từ Trường An đi Triều Châu, Hàn Dũ 1 mình lùi lũi trên đường xa dặm
thẳng, xa rời kinh thành hoa lệ, tới nơi biên viễn xa xôi, nỗi lòng đắng cay
uất ức, nói sao cho hết. Đến Triều Châu, ông gạt nỗi buồn về cảnh ngộ bản
thân sang 1 bên để dốc lòng lo toan cho đời sống dân địa phương. Ông triệu
tập các quan chức cấp dưới tới, hỏi xem dân chúng địa phương có nỗi khổ
gì. Có người nói: "Nơi đây sản xuất được ít lúa gạo, đời sống nhân dân rất
khổ. Ngoài ra, ở Ác Khê (nay là Hàn Giang, Quảng Đông) có một con cá
sấu thường bò lên bờ giết hại người và súc vật, nhân dân khổ nhiều vì nó".
Hàn Dũ nói: "Nếu như vậy, ta phải tìm cách trừ khử nó".
Nói như vậy, nhưng Hàn Dũ rút cuộc là 1 văn nhân, không biết sử
dụng đao cung, làm sao trừ được cá sấu hung dữ? Ông nảy ra 1 ý, viết 1 bài
"Văn tế cá sấu", sai người đến bờ sông, đọc bài văn tế đó, lại giết 1 con lợn,
1 con dê, ném xuống sông cho cá sấu ăn. Trong bài văn tế đó, ông ra lệnh
cho cá sấu trong thời hạn 7 ngày phải đi ra biển. Nếu không, sẽ dùng cung
cùng tên độc giết chết. hàn Dũ vốn không tin Phật, sao lại tin rằng cá sấu có
trí khôn để hiểu bài văn tế của ông? Điều đó đương nhiên chỉ là 1 thủ thuật
của ông để làm yên lòng người mà thôi. Nhưng sự việc diễn ra lại ngẫu
nhiên may mắn làm sao, tương truyền sau khi đọc văn tế, con cá sấu không
thấy xuất hiện nữa. Nhân dân địa phương cho rằng lệnh đuổi do đại thần
được triều đình cử tới đúng là có uy lực mạnh mẽ, đều ca ngợi và yên tâm
sản xuất.
Hàn Dũ làm quan ở đó 1 năm lại được gọi về Trường An, làm việc ở
Quốc tử giám (trường học cao cấp nhất thời phong kiến). Cùng năm đó
(năm 820), Đường Hiến Tông bị hoạn quan giết chết. Con ông ta là Lý
Hằng lên ngôi. Đó là Đường Mục Tông.