LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
TẬP 4
Lâm Hán Đạt & Tào Duy Chương
www.dtv-ebook.com
Khang Hy Đế Bình Định Tam Phiên
Vào năm chính quyền cuối của Nam Minh diệt vong, Thuận Trị Đế đã
chết, con ông là Huyền Diệp lên ngôi. Đó là Thanh Thánh Tổ, niên hiệu
Khang Hy (suốt 61 năm tại vị, Thánh Tổ chỉ sử dụng 1 niên hiệu Khang Hy
nên lịch sử thường gọi ông là Khang Hy Đế). Khi lên ngôi, Khang Hy Đế
mới có 8 tuổi. Theo di chiếu của Thuận Trị Đế, 4 đại thần tộc Mãn giúp
ông xử lý việc triều chính, gọi là 4 đại thần phụ chính. Trong 4 đại thần đó,
có Ngao Bái dựa vào cương vị nắm binh quyền, lại coi thường hoàng đế
nhỏ tuổi, chuyên quyền độc đoán, đại thần nào trái ý đều bị âm mưu hãm
hại. Sau khi vương triều Thanh dời vào Trung nguyên, liền dùng biện pháp
cưỡng bách, khoanh chiếm đất đai của nông dân, chia cho quý tộc 8 "kỳ".
Sau khi Ngao Bái nắm quyền, ông ta lại cậy thế mở rộng thêm vùng đất đã
khoanh chiếm, còn lấy đất xấu của mình ép các kỳ khác đổi cho mình lấy
đất tốt. Việc làm đó gây oán giận trong dân Hán và cả giới quý tộc thuộc
các kỳ khác. Ngao Bái liền vu cáo các quý tộc đại nghịch bất đạo, đem xử
tử 3 quan chức quý tộc địa phương.
Năm vừa 14 tuổi, Khang Hy Đế tự mình chấp chính. Lúc đó, 1 đại
thần phụ chính khác là Tô Khắc Tát Cáp có tranh chấp với Ngao Bái. Ngao
Bái nuôi lòng thù hận, liền câu kết với đồng đảng, vu cho Tô Khắc Tát Cáp
phạm đại tội, tâu xin Khang Hy Đế xử tử ông ta. Khang Hy Đế không phê
chuẩn. Ngao Bái công khai tranh cãi với Khang Hy Đế giữa triều chính, lại
dám hung hăng xắn tay áo, giơ nắm đấm, làm ầm ĩ. Khang Hy Đế vô cùng
tức giận, nhưng thấy Ngao Bái có thế lực lớn, đành tạm thời nín nhịn, chịu
để cho ông ta giết Tô Khắc Tát Cáp. Sau chuyện đó, Khang Hy Đế quyết