trừ bỏ Ngao Bái. Ông cử người tuyển chọn 1 số con em quý tộc mười mấy
tuổi vào làm thị vệ. Những thiếu niên đó đều có sức khỏe tốt, luôn được giữ
bên cạnh Khang Hy Đế, hằng ngày luyện tập môn đánh vật. Ngao Bái vào
cung, thường thấy những thiếu niên đó ồn ã tập luyện trong vườn ngự uyển,
chỉ coi là trò trẻ con, không hề chú ý. Một hôm, Ngao Bái nhận được lệnh
của Khang Hy Đế, yêu cầu vao cung 1 mình để bàn việc quốc sự quan
trọng. Như thường lệ, Ngao Bái nghênh ngang đi vào. Vừa bước qua cửa
cung, bỗng bọn thiếu niên đó xông tới vây chặt, người níu cánh tay, người
lôi chân. Ngao Bái tuy xuất thân võ tướng, có sức khỏe nhưng số thiếu niên
đó đông đảo, lại đã được luyện môn vật. Ngao Bái không địch nổi, chỉ 1
thoáng đã bị quật lăn quay dưới đất. Mặc ông ta lớn tiếng kêu cứu, nhưng
làm gì có ai trong đó!
Ngao Bái bị nhốt trong đại lao, Khang Hy Đế lập tức triệu tập đại
thần, yêu cầu điều tra và luận tội. Mọi người đều cho rằng Ngao Bái lộng
quyền, giết người tùy tiện vô cớ, tội ác chồng chất, cần phải xử tử. Khang
Hy Đế khoan dung, chỉ cắt hết chức tước của ông ta. Khang Hy Đế dùng kế
trừ được Ngao Bái khiến toàn thể triều đình vui mừng. Một số đại thần vốn
khá ngang ngược, biết ông hoàng đế trẻ tuổi này là người có bản lĩnh cũng
không dám buông tuồng như trước kia nữa. Sau khi tự mình chấp chính,
Khang Hy Đế ra sức chỉnh đốn triều chính, khuyến khích sản xuất, trừng trị
tham nhũng, khiến vương triều trong buổi đầu kiến lập dần dần cường thịnh
lên. Lúc đó, chính quyền Nam Minh tuy đã diệt vong, nhưng vẫn còn 3
phiên vương ở miền nam khiến Khang Hy Đế luôn lo lắng. 3 phiên vương
đó nguyên là các tướng Minh về hàng quân Thanh. Người thứ nhất là Ngô
Tam Quế, đã dẫn quân Thanh vào cửa quan. Hai người kia là Thượng Khả
Hỷ và Cảnh Trọng Minh. Vì họ có công giúp triều Thanh tiêu diệt triều
Minh và đàn áp quân nông dân, nên vương triều Thanh phong Ngô Tam
Quế làm Bình Tây vương, trú phòng tại Vân Nam, Quí Châu; Thượng Khả
Hỷ làm Bình Nam vương, trú phòng tại Quảng Đông; Cảnh Trọng Minh
làm Tĩnh Nam vương, trú phòng tại Phúc Kiến. cả 3 được gọi là "Tam
phiên".