Trong 3 phiên vương, Ngô Tam Quế có lực lượng mạnh nhất. Sau khi
được phong phiên vương, Ngô Tam Quế hết sức ngạo nghễ, không những
năm binh quyền ở địa phương mà còn khống chế cả tài chính, tự bổ nhiệm
các quan lại, không coi triều Thanh ra gì. Khang Hy Đế thấy muốn thống
nhất chính lệnh, thì Tam phiên là trở ngại lớn nhất, phải chọn thời cơ tước
bỏ thế lực của họ. Vừa gặp dịp, Thượng Khả Hỷ vì già yếu muốn về quê tại
Liêu Đông, dâng sớ tấu xin để con là Thượng Chi Tín kế thừa tước vị tại
Quảng Đông. Khang Hy phê chuẩn cho Thượng Khả Hỷ cáo lão về hưu,
nhưng không cho con ông ta kế thừa tước vị Bình Nam vương. Sự việc này
gây rung động tới Ngô Tam Quế và Cảnh Tinh Trung (cháu của Cảnh
Trọng Minh). Để thăm dò thái độ của Khang Hy Đế, cả 2 giả vờ xin chủ
động giải trừ tước vị phiên vương để trở về miền bắc. Tấu chương gửi tới
triều đình, Khang Hy Đế triệu tập các đại thần tới bàn. Rất nhiều đại thần
cho rằng sớ tấu xin giải trừ chức phiên vương của bọn Ngô Tam Quế không
thật lòng. Nếu phê chuẩn lời thỉnh cầu đó, nhất định Ngô Tam Quế sẽ nổi
loạn. Khang Hy Đế nói rất quả đoán: "Ngô Tam Quế có dã tâm từ lâu. Giải
chức sẽ làm phản, không bằng ta ra tay trước". Sau đó, ông hạ lệnh chiếu
trả lời Ngô Tam Quế, chấp nhận lời cầu xin giải chức phiên vương. Chiếu
lệnh vừa ban xuống, quả nhiên Ngô Tam Quế nhảy dựng lên tức tối. Ông ta
tự cho mình là khai quốc công thần triều Thanh, thế mà bây giờ vị hoàng đế
non trẻ này lại dám tước quyền của mình. Thật lòng không chống lại thì
không chịu nổi.
Năm 1673, Ngô Tam Quế khởi binh ở Vân Nam. Để lung lạc mọi
người, ông ta cởi bỏ mọi trang phục mang tước vị triều Thanh, đổi sang
khôi giáp triều Minh, vờ vịt khóc lóc 1 hồi trước mộ Vĩnh Lịch Đế, thề sẽ
báo thù trả hận cho triều Minh. Nhưng mọi người còn nhớ rất rõ, là kẻ rước
quân Thanh vào Sơn Hải Quan là Ngô Tam Quế, kẻ giết chết Vĩnh Lịch Đế
cũng là Ngô Tam Quế. Bây giờ ông ta lại giương lá cờ khôi phục triều
Minh, còn lừa bịp được ai? Thế lực của Ngô Tam Quế ở Tây Nam rất
mạnh. Lúc đầu, quân nổi loạn thắng liên tiếp, đánh tới tận Hồ Nam. Ông ta
còn cử người đi liên lạc với Thượng Chi Tín ở Quảng Đông và Cảnh Tinh