Trương Vĩnh vốn có hiềm khích với Lưu Cẩn, nay được Dương Nhất
Thanh nêu ra và thúc giục, liền thấy vững dạ và quyết tâm thực hiện. Đến
Bắc Kinh, Trương Vĩnh làm theo kế hoạch của Dương Nhất Thanh, ngay
trong đêm vào gặp Vũ Tông, tố cáo Lưu Cẩn mưu phản. Minh Vũ Tông
liền hạ lệnh cho Trương Vĩnh dẫn cấm quân đến bắt Lưu Cẩn. Lưu Cẩn
không phòng bị gì, đang ngủ say, bị cấm quân xông vào trói lại, đưa vào
nhà lao. Minh Vũ Tông sai cấm quân đến khám xét và tịch thu gia sản của
Lưu Cẩn, phát hiện được 24 vạn nén vàng, 5 triệu nén bạc và vô số ngọc
ngà châu báu. Ngoài ra, còn khám xét thấy long bào, đai ngọc, khôi giáp,
vũ khí. Minh Vũ Tông lúc đó mới giật mình, lập tức xử tử Lưu Cẩn. Lưu
Cẩn tuy bị giết, nhưng tình trạng ngu tối hủ bại của Vũ Tông đã nghiêm
trọng tới mức không thể nào sửa được. Sau khi giết Lưu Cẩn, ông ta lại
sùng bái 1 võ quan là Giang Bân. Giang Bân xúi giục hoàng đế, nhiều lần
rời Bắc Kinh lên tìm thú vui chơi ở Tuyên Phủ (nay là Tuyên Hóa, Hà Bắc)
để mọi quyền quân sự, chính trị cho Giang Bân giải quyết. Giang Bân vì
vậy tha hồ tham nhũng, đòi hối lộ, bài xích người tốt.
Do sự thống trị thối nát của vương triều Minh, đất đai tập trung cao độ
vào tay địa chủ, thuế má và lao dịch trút lên đầu nhân dân lao động rất nặng
nề, nên các cuộc khởi nghĩa nhân dân liên tiếp nổ ra. Năm 1510, vùng phụ
cận Bắc Kinh nổ ra cuộc khởi nghĩa do Lưu Lục, Lưu Thất lãnh đạo. Cuộc
khởi nghĩa kéo dài trong 2 năm, nghĩa quân hoạt động trong phạm vi 8 tỉnh
thuộc Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, 4 lần tiến tới gần Bắc Kinh, giáng 1 đòn
nặng nề vào vương triều Minh thối nát.