LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
TẬP 4
Lâm Hán Đạt & Tào Duy Chương
www.dtv-ebook.com
Dương Kế Thịnh Liều Chết Vạch Tội Nghiêm Tung
Sau khi Minh Vũ Tông chết, người em họ là Chu Hậu Thông lên ngôi
hoàng đế. Đó là Minh Thế Tông (niên hiệu Gia Tĩnh). Khi mới lên ngôi,
Minh Thế Tông có thực hiện 1 số biện pháp cải lương về chính trị, như hạn
chế quyền lực của hoạn quan, chỉnh đốn lại việc thu thuế...Nhưng về sau,
ông lại mê tín Đạo giáo, lập đàn cầu tiên trong cung, dần dần không chú ý
hỏi han đến triều chính nữa. Trong các đại thần, hễ ai tán thành việc tín
ngưỡng Đạo giáo thì đều được trọng dụng. Đại học sĩ Nghiêm Tung vì giỏi
viết các bài văn cầu thần tiên nên dần dần leo lên chức Thủ phủ nội các
(tương đương tể tướng). Nghiêm Tung không có thực tài gì, chỉ giỏi xu
nịnh phụ họa. Hắn cùng với con là Nghiêm Thế Phiên tổ chức bè đảng, làm
mọi việc phi pháp để kiếm lời, không kiêng dè 1 việc xấu xa nào. Một số
triều thần thiếu nhân cách đều vào hùa với chúng, có 30 người nhận
Nghiêm Tung làm cha nuôi. Có đủ vây cánh, hắn càng lộng quyền, lũng
đoạn mọi việc triều chính.
Khi Nghiêm Tung nắm quyền, bộ lạc Đạt Đán (1 nhánh của tộc Mông
Cổ) ở phía bắc dần lớn mạnh, thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, tạo thành nỗi
uy hiếp lớn với triều Minh. Nghiêm Tung không những không tăng cường
chuẩn bị về quân sự, mà còn tham ô tiền quân lương, khiến binh sĩ chịu đói
rét. Thủ lĩnh Đạt Đán là Yểm Đáp mấy lần đem quân tiến công vào lãnh
thổ Trung Quốc, quân Minh đều không đủ lực lượng chống lại. Năm 1550,
Yểm Đáp đem quân tiến rất sâu, tới tận ngoại ô ở Bắc Kinh. Minh Thế
Tông cử 1 đồng đảng của Nghiêm Tung là Cừu Loan làm đại tướng quân.
Chỉ huy viện quân các lộ bảo vệ kinh thành. Nghiêm Tung sợ Cừu Loan bị