Nưa, phát triển lực lượng, quân số có tới hàng vạn người. Nghĩa quân đánh
thắng quân Ngô nhiều trận, giải phóng nhiều huyện thành. Bọn quan lại nhà
Ngô, từ Thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng, kẻ bị giết, kẻ bị bắt, hoặc
chạy trốn trong cơn hoảng loạn.
Nhà Ngô lo sợ phải cử Lục Dận làm Thứ sử Giao Châu, đem 8.000
quân sang đàn áp. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu tuy bị thất bại, nhưng đã đánh
dấu một bước trưởng thành của cuộc đấu tranh tự giải phóng của nhân dân
ta lúc bấy giờ.
Tiếp nối tinh thần quật khởi của Bà Triệu, phong trào chống đô hộ
của nhân dân ta vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, lúc âm ỉ, lúc bộc
phát, lan động cả miền xuôi và miền ngược, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa
của Lý Trường Nhân (468 - 485).
Khi Thứ sử Giao Châu bị giết, Lý Trường Nhân, một hào trưởng địa
phương, đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy, giết hết bọn quan lại đô hộ cùng
những người lưu ngụ từ phương Bắc sang, tự xưng là thứ sử. Các thứ sử do
nhà Tống cử sang cai trị nước ta đều bị Lý Trường Nhân đánh đuổi. Lý
Trường Nhân chết, người em họ là Lý Thúc Hiến lên thay, cũng kiên quyết
không chấp nhận thứ sử từ phương Bắc sang. Triều đình nhà Tề phải đem
quân sang đàn áp để chiếm lại Giao Châu.
Bước sang thế kỷ VI, phong trào giải phóng của nhân dân ta chuyển
lên giai đoạn mới mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa thành công dưới sự lãnh
đạo của Lý Bí (542-543) đưa đến việc thành lập Nhà nước Vạn Xuân (544).
Nhân lòng oán giận của nhân dân ta với chính quyền đô hộ, Lý Bí
đã liên kết với hào kiệt ở các châu, huyện nước ta cùng nổi dậy chống nhà
Lương. Chưa đầy 3 tháng, bè lũ đô hộ nhà Lương đã bị quét sạch. Nghĩa
quân chiếm được châu thành Long Biên. Nhà Lương hai lần đem quân sang
đánh chiếm lại Giao Châu, nhưng đều bị quân khởi nghĩa đánh tan.