Vào cuối thời Trần, nước Đại Việt lâm vào tình cảnh khó khăn, do
sự suy vong của vương triều và những biến đổi trong cơ cấu kinh tế - xã hội
của chế độ phong kiến gây ra.
Sau thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống Mông -
Nguyên và sau một thời gian dài phát triển hưng thịnh với những thành quả
lớn lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đến nửa cuối thế kỷ XIV,
vương triều Trần từng bước lâm vào khủng hoảng và suy thoái. Tầng lớp
quý tộc có xu hướng ăn chơi, hưởng lạc trên sự bóc lột nhân dân. Xu hướng
hưởng thụ thái bình càng phát triển mạnh dưới các đời vua cuối triều Trần,
nhất là từ đời Trần Dụ Tông (1341 - 1369).
Cuối thế kỷ XIV, triều Trần suy yếu đến mức không còn khả năng
bảo vệ sự an toàn của đất nước. Chế độ phong kiến trải qua những biến
động sâu sắc trong kết cấu kinh tế - xã hội. Kinh tế điền trang thái ấp và
chế độ nông nô, nô tỳ đã trở nên lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của sức sản
xuất xã hội. Chế độ bóc lột tàn nhẫn của giới quý tộc phong kiến đối với
nông nô, nô tỳ cộng sự nảy sinh những mầm mống mới của kinh tế hàng
hóa và kinh tế địa chủ đã lay chuyển cơ sở điền trang thái ấp. Thủ tiêu chế
độ điền trang thái ấp, giải phóng nông nô, nô tỳ là những yêu cầu bức thiết
của sự phát triển xã hội.
Những mâu thuẫn chất chứa trong xã hội phong kiến, trước hết là
mâu thuẫn giữa nô tỳ và nông dân nghèo với tầng lớp quý tộc đã phát triển
đến mức bùng nổ thành bạo động của quần chúng. Nhiều cuộc khởi nghĩa
nổ ra kéo dài suốt nửa sau thế kỷ XIV. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa
Ngô Bệ (1344 -1360), Nguyễn Bồ (1379), Nguyễn Thanh, Nguyễn Kỳ,
Phạm Sư Ôn (1389). Đối tượng đấu tranh nhằm vào tầng lớp quý tộc và
vương triều Trần. Những cuộc khởi nghĩa đó đều thất bại, nhưng đã giáng
đòn đả kích mạnh mẽ vào kinh tế điền trang và chế độ bóc lột nô tỳ, làm
lay chuyển nền thống trị của triều Trần. Sự sụp đổ của một triều đại phong
kiến đã quá suy thoái là điều tất yếu.