nội tình Đại Việt chưa ổn đã chủ trương chuẩn bị gấp lực lượng để nhanh
chóng đưa đại quân thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược. Trước nguy cơ
đó, Hồ Quý Ly và những người thân cận một mặt lo củng cố vương quyền
mới, mặt khác ra sức chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến chống ngoại
xâm.
Quan hệ bang giao ngày càng căng thẳng và đang tiến sát đến một
cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi. Hồ Quý Ly và những người lãnh
đạo triều đình nhận thấy rõ điều đó và ngay từ khi mới lên nắm chính
quyền đã dốc sức lo chuẩn bị đối phó. Đối với nhà Minh - một đế chế lớn
đương lúc cường thịnh nên triều đình nhà Hồ vẫn kiên trì thực hiện một
đường lối đối ngoại mềm dẻo, cố trì hoãn chiến tranh để có thời gian chuẩn
bị. Tuy trước sau, Hồ Quý Ly vẫn giữ thái độ kiên quyết với nhà Minh trên
nguyên tắc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, nhưng trước những hành động
khiêu khích của vua Minh, trong một chừng mực nhất định, Hồ Quý Ly đã
có những nhân nhượng. Khi nhà Minh đòi 5 vạn quân, 50 con voi và 50 vạn
hộc lương chở đến biên giới tiếp viện cho quân đội hoạt động ở Long Châu,
Hồ Quý Ly đồng ý nhưng chỉ cấp một ít lương thực. Khi chúng đòi một số
lượng lớn tăng nhân, gái đẹp, hoạn quan và thợ thủ công, thì Hồ Quý Ly
cũng chấp thuận, nhưng chỉ cho một phần và nhắc nhở phải cảnh giác khi
những người này về nước vì ông cho rằng, có thể đó là âm mưu sử dụng
người Việt làm nội gián cho chiến tranh của giặc. Năm 1405, khi nhà Minh
đòi đất Lộc Châu (Lạng Sơn) và 7 trại ở Ninh Viễn, Hồ Quý Ly buộc phải
cắt 59 thôn cho giặc, nhưng ông ngầm sai thổ dân đánh thuốc giết chết
những tên thổ quan do nhà Minh đặt. Hồ Quý Ly đã bất đắc dĩ phải nhượng
đất để kéo dài thời gian hòa hoãn, lo chuẩn bị lực lượng kháng chiến.
Ngay từ khi giữ chức Tham mưu quân sự (1375) và Khu mật viện
đại sứ (1379), Hồ Quý Ly đã có tư tưởng cải cách hệ thống quân sự, tìm
cách đưa những người thân tín nắm giữ các chức vụ, chủ trương xây dựng
quân đội mạnh hơn để làm chỗ dựa và chống lại sự xâm nhập, quấy nhiễu
liên tục của Chế Bồng Nga vua Chiêm Thành.