theo đường ải Pha Lũy (Lạng Sơn); Mộc Thành và Lý Bân chỉ huy 40 vạn
quân tiến theo ải Phú Lệnh (Hà Giang), vào nước ta.
Ngày 19-11-1406, cánh chính binh do Trương Phụ chỉ huy từ Băng
Tường tiến đánh ải Pha Lũy. Giặc tiến ào ạt, quân trấn giữ cửa ải phải bỏ
chiến tuyến rút lui. Chiếm được Pha Lũy, Trương Phụ cho treo và thả
xuống sông bảng văn kể tội họ Hồ, kêu gọi hưởng ứng "Phù Trần diệt Hồ".
Đô đốc Hàn Quan vận chuyển lương thảo, lập căn cứ đầu cầu. Quân Minh
chặt cây mở đường, bắc cầu qua sông. Tướng Lữ Nghị chỉ huy quân tiên
phong dò xét tình hình, đề phòng phục binh của ta. Ở Ải Lưu, quân nhà Hồ
có khoảng 2 vạn, dựa vào thế núi để đóng trại, đào hào, đắp chiến lũy, đặt
máy bắn và tên độc để chặn giặc. Khi quân Minh tới, quân phòng thủ ở đây
ra sức bắn tên độc, lăn đá, ném cây cự thủ. Quân tiên phong nhà Minh dùng
thuẫn che mình tiến đánh. Tuy có chiến lũy kiên cố, địa hình hiểm trở và
lực lượng phòng thủ khá mạnh, nhưng vì địch tập trung lực lượng đột phá
liên tục nên sau một vài trận cự chiến, quân nhà Hồ không thể giữ vững
được cửa quan. Lữ Nghệ vượt qua được trận địa của ta. Quân Minh với ưu
thế về binh lực đã vượt qua các trận địa phòng ngự của quân nhà Hồ ở biên
ải.
Phía sau các phòng tuyến Pha Lũy và Ải Lưu, quân nhà Hồ xây
dựng phòng tuyến ở Chi Lăng. Ở đây có chiến lũy và trại quân xung quanh
được đắp thành đào hào, cắm chông nhọn và đặt pháo bảo vệ. Ngày 20-11,
tướng Minh là Chu Vinh chỉ huy một đạo quân tiến đến Chi Lăng. Quân
nhà Hồ dựa vào chiến lũy cự chiến ngăn giặc. Nhưng thế trận phòng ngự ở
đây cũng nhanh chóng bị phá vỡ và cửa ải Chi Lăng cùng với cả hệ thống
chiến lũy sát biên giới đều bị quân giặc chiếm.
Quân Minh tiến đánh Cần Trạm (địa đầu Bắc Giang). Phục binh của
quân nhà Hồ liên tiếp cản phá, nhưng không thắng. Từ Cần Trạm, một đạo
quân Minh theo đường Xương Giang, Thị Cầu (Bắc Ninh) tiến đến Gia
Lâm (Hà Nội), đóng ở bờ bắc sông Nhị Hà đối diện với thành Đông Đô.