hai thành Đa Bang và Đông Đô kiên cố do hàng chục vạn quân nhà Hồ chốt
giữ.
Quân đội nhà Hồ, sau những trận đánh phòng ngự cố thủ không
thành công trước sức tiến công ào ạt của hai cánh quân lớn theo hướng
Lạng Sơn và Hà Giang, đã lui về bờ nam sông Nhị Hà, tập trung lực lượng
bảo vệ phòng tuyến chủ yếu Đa Bang - Đông Đô. Hồ Quý Ly ra lệnh củng
cố phòng tuyến, dựng thêm rào gỗ ở bờ nam sông, đóng cọc ngăn giữ các
cửa sông, dàn chiến thuyền trên mặt sông, tổ chức tuần tiễu nghiêm ngặt.
Trên phòng tuyến bờ nam sông Nhị Hà, bộ binh cùng với tượng binh, kỵ
binh lập thế trận, ngày đêm canh giữ. Đặc biệt, thành Đa Bang và Đông Đô
là hai căn cứ phòng ngự then chốt được tăng cường lực lượng phòng thủ về
mọi mặt và giao cho những đạo quân lớn, tinh nhuệ nhất trấn giữ. Chủ
trương của triều Hồ là dựa vào phòng tuyến chủ yếu này để chặn đứng
bước tiến quân của quân Minh và chờ khi chúng gặp khó khăn sẽ tổ chức
phản công. Toàn bộ phòng tuyến đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Hồ
Nguyên Trừng và tướng Hồ Đỗ. Nhân dân vùng bắc sông Nhị Hà hầu hết
đã được lệnh di cư về phía nam sông để thực hành kế "thanh dã" (vườn
không nhà trống).
Theo dõi tình hình chiến sự ở Đại Việt, vua Minh (Minh Thành Tổ)
lo chiến tranh phải kéo dài sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là sang mùa nóng
bức, sợ không đủ lực lượng quân sự và lương thảo chi viện cho chiến tranh,
nên đã truyền lệnh cho Trương Phụ, Mộc Thành phải đánh nhanh, hoàn
thành cuộc chinh phục trong mùa xuân năm tới. Trương Phụ và Mộc Thành
vì thế đã quyết tâm đánh thành Đa Bang. Trương Phụ từ Tân Phúc kéo đến
Tam Đái (Vĩnh Phúc) để cùng với Mộc Thành tập trung quân tiến công
thành này. Chúng đóng thêm chiến thuyền, sửa sang khí giới, chuẩn bị
phương tiện vượt sông. Trương Phụ dùng kế nghi binh, sai Chu Vinh dẫn
một đạo quân với nhiều thuyền bè, từ Bạch Hạc tiến thẳng tới Gia Lâm,
phối hợp với Phương Chính và Vương Thứ, uy hiếp Đông Đô. Chúng đóng
trại, dàn quân, bày thuyền, ban đêm đốt lửa bắn súng làm như đang chuẩn
bị vượt sông tiến công Đông Đô. Hồ Nguyên Trừng mắc mưu giặc, điều