sức bị động cả về chiến lược và chiến thuật, nên đã tạo điều kiện cho giặc
tập trung lực lượng, thực hiện chiến lược đánh nhanh thắng nhanh.
Trong quá trình chiến tranh, kết hợp với hình thức tác chiến phòng
ngự, quân đội nhà Hồ có tổ chức một số trận phản công - tiến công, ví như
trận phản công ở Hoàng Giang (3-1407) và nhất là trận phản công quy mô
lớn đánh vào đạo quân của Trương Phụ ở cửa Hàm Tử (4-1407). Như vậy,
về tác chiến, không phải nhà Hồ loại bỏ biện pháp tiến công địch. Song, cái
sai của quân đội nhà Hồ là sai ở tư tưởng chỉ đạo tác chiến phản công, tức
là đã tổ chức phản công địch không hợp thời và không có thế, thiếu chuẩn
bị, thiếu tổ chức chu đáo. Quân đội chiến đấu đơn độc không có sự hỗ trợ
của dân binh và nhân dân địa phương, khiến cho đem quân đi đánh địch lại
bị địch đánh. Trận phản công lớn ở Hàm Tử thất bại dẫn đến sự sụp đổ
hoàn toàn cả về chiến lược quân sự của vương triều Hồ.
Tóm lại, Hồ Quý Ly và triều đình nhà Hồ luôn đề cao ý thức độc
lập, chủ quyền, tích cực chuẩn bị kháng chiến và quyết tâm kháng chiến
đến cùng. Tư tưởng quyết tâm đánh giặc giữ nước thể hiện trong quá trình
xây dựng lực lượng, bố trí thế trận và trong thực tiễn tổ chức kháng chiến.
Hồ Quý Ly cùng hai con là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương là những
người có tài tổ chức quân sự. Ngay từ khi mới cầm quyền, họ đã có tư
tưởng xây dựng quân đội đông và thiện chiến, một quân đội được tổ chức
quy củ, được trang bị và huấn luyện tốt. Những vũ khí, chiến cụ của quân
đội nhà Hồ đã đạt đến một trình độ cao, nhất là kỹ thuật đúc chế súng thần
cơ. Hồ Nguyên Trừng là một người có đầu óc canh tân, một nhà sáng chế
tài giỏi, nên khi bắt được Hồ Nguyên Trừng, nhà Minh tìm cách dụ dỗ để
học phép chế súng thần cơ. Tuy nhiên, muốn xây dựng quân đội mạnh
không chỉ ở số lượng. Ở tổ chức và trang bị, mà trước hết quân đội đó phải
có tinh thần chiến đấu và chiến đấu trong sự tham gia hỗ trợ và gắn bó với
nhân dân. Đây là điểm hạn chế cơ bản trong tư tưởng xây dựng quân đội
của vương triều Hồ. Có quân đội đông, có thành lũy vững chắc, nhà Hồ chủ
trương dựa vào quân đội và thành lũy để tác chiến phòng ngự, hy vọng
chặn đứng và làm suy yếu quân giặc. Nhưng đó lại là một sai lầm lớn trong