người), các thủ lĩnh Âu Việt và Lạc Việt đã biết dựa vào sức mạnh của nhân
dân, của cộng đồng để chống giặc. Điều đó đã được kể trong một bức thư
của Lưu An gửi Hán Võ đế, chép lại trong sách Tiền Hán Thư: "Thần nghe
các cụ phụ lão nói rằng, thời Tần từng sai úy Đồ Thư đánh đất Việt, lại sai
giám Lộc đào cừ mở đường. Người Việt trốn vào núi sâu, rừng rậm, không
thể đánh được. {Nhà Tần} lưu quân ở lại đóng giữ đất không, lâu ngày sĩ
tốt mệt mỏi. Người Việt bèn ra đánh, quân Tần đại bại"
9
.
Rõ ràng là, trước họa ngoại xâm, người Âu Việt và người Lạc Việt
đã tham gia đánh giặc một cách hết sức kiên trì, bền bỉ và rộng khắp. Người
thì trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu tiêu hao sinh lực địch; người thì rút bỏ
vào rừng, làm vườn không nhà trống, cất giấu thóc lúa, của cải, gây nhiều
khó khăn cho giặc về tiếp tế, hậu cần. Lực lượng kháng chiến không chỉ có
các đội thân binh của các thủ lĩnh quân sự Âu Việt, các lạc tướng và các đội
dân binh làng xã mà còn có đông đảo dân chúng tham gia, bất kể lứa tuổi,
nam nữ, địa vị xã hội. Quân giặc bị đánh đuổi ở khắp nơi, liên tục phải đối
phó với cuộc chiến đấu của người Việt, nên quân dẫu đông mà vẫn thiếu,
càng đánh càng lâm vào tình thế khó khăn, tuyệt vọng, cuối cùng phải chịu
thất bại.
Cuộc chiến đấu của người Việt thời đó thật kiên cường, diễn ra chủ
yếu là ở vùng rừng núi phía Bắc và Tây Bắc, song theo sử sách thì đã có
nhiều người thuộc vùng trung du, đồng bằng châu thổ sông Hồng tham gia
đánh giặc. Tiêu biểu là Cao Lỗ (ông Nỏ), người ở đất Vũ Ninh (Bắc Ninh),
là Lý Ông Trọng người làng Chèm, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày
nay.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tần vào thế kỷ III Tr.CN là
chiến công chung của cộng đồng cư dân Việt cả người Âu Việt và Lạc Việt.
Chiến công đó đã thể hiện sự manh nha của tư tưởng chiến tranh nhân dân
Việt Nam, tạo nên niềm tin to lớn về truyền thống yêu nước tất thắng của
các thế hệ người Việt trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.