Vùng hạ lưu sông Ngàn Sâu lúc bấy giờ có một trang khẩn hoang
khá lớn của Hoàng hậu Bạch Ngọc (vợ thứ ba của Vua Trần Duệ Tông),
rộng trên 3.000 mẫu. Khi nghĩa quân tiến vào vùng này, Hoàng hậu và dân
trại đều hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Con gái Hoàng hậu là Công chúa Huy
Chân trở thành cung phi của Lê Lợi. Nhiều thanh niên trong trang trại tham
gia nghĩa quân và trang trại cũng trở thành một cơ sở hậu cần của cuộc khởi
nghĩa. Ngoài cơ sở hậu cần nhân dân, Lê Lợi và Nguyễn Trãi chủ trương
"vừa cày ruộng vừa đánh giặc". Xung quanh các doanh trại và đồn lũy,
nghĩa quân Lam Sơn đều tổ chức khẩn hoang, kết hợp chiến đấu với sản
xuất quân lương.
Tướng Đinh Lễ trong thời gian đóng quân ở Tùng Lĩnh (Đức Thọ,
Hà Tĩnh), đã được lệnh cho quân sĩ khai phá ruộng đất hai ven bờ sông La.
Những thửa ruộng đó sau này nhân dân ta vẫn gọi là "ruộng binh".
Tướng Nguyễn Biên cũng khai hoang một vùng rộng lớn gọi là
"vũng voi đạp lúa". Nhiều dòng họ dưới chân núi Thiên Nhẫn còn ghi nhớ
tổ tiên họ xưa là nghĩa quân Lam Sơn từ nhiều nơi đến rồi khẩn hoang, lập
ấp và có người sinh cơ lập nghiệp luôn ở đây.
Trên cơ sở sự tham gia ủng hộ của nhân dân, những biện pháp tổ
chức của Bộ chỉ huy nghĩa quân đã biến đất Nghệ An thành một căn cứ địa,
một vùng đất đứng chân vững chắc. Đó là nguồn cung cấp sức người, sức
của rất lớn, là bàn đạp chiến lược lợi hại, tạo điều kiện cho bước phát triển
nhảy vọt của cuộc khởi nghĩa. Tháng 6-1425, Lê Lợi cho quân tiến ra giải
phóng Diễn Châu và Thanh Hóa. Tháng 8-1425, nghĩa quân tiến vào giải
phóng Tân Bình và Thuận Hóa. Quân Minh chỉ còn đóng giữ trong các
thành trơ trọi.
Trong 8 năm chuẩn bị khởi nghĩa và chiến đấu (1416 - 1424),
khoảng thời gian một năm từ tháng 10 - 1424 đến tháng 10 - 1425 đánh dấu
một bước tiến nhảy vọt của nghĩa quân Lam Sơn. Từ căn cứ chật hẹp ở
miền rừng núi Thanh Hóa, tháng 10 - 1425 cuộc khởi nghĩa đã có một căn
cứ địa vững chắc, một hậu phương rộng lớn từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa.