bại trận. Đó là tư tưởng kết thúc chiến tranh đúng đắn, có lợi nhất vì mục
đích duy trì hòa bình lâu dài xây dựng đất nước. Kết thúc chiến tranh đồng
thời với việc mở ra mối quan hệ mới - hòa hiếu với nước vừa thất bại trong
chiến tranh. Tư tưởng kết thúc chiến tranh với tinh thần đại nghĩa và nhân
văn đó được Nguyễn Trãi đúc kết và lý giải sâu sắc trong bài Phú núi Chí
Linh:
"Nghĩ về kế lâu dài của nhà nước,
Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh.
Sửa hòa hiếu cho hai nước,
Tắt muôn đời chiến tranh"
55
.
Chủ trương của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Bộ chỉ huy Lam Sơn thật
đúng đắn và sáng suốt, vừa biểu thị lòng nhân đạo cao cả, nguyện vọng hòa
bình thiết tha của nhân dân ta, vừa là một sách lược chính trị, ngoại giao
khôn khéo đối với triều đình nhà Minh, với một quốc gia phong kiến to lớn
ở cạnh kề nước ta.
Như vậy, kết hợp đấu tranh quân sự với chính trị, ngoại giao và binh
vận là một đặc điểm nổi bật trong tư tưởng quân sự của Lê Lợi, Nguyễn
Trãi và các tướng lĩnh Lam Sơn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc
đầu thế kỷ XV.
* *
*
Tư tưởng quân sự Việt Nam có một bước phát triển mạnh mẽ trong
khởi nghĩa và chiến tranh chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV. Tư
tưởng quân sự giai đoạn này thể hiện chủ yếu trong cuộc kháng chiến của
triều đình Hồ, trong phong trào khởi nghĩa chống Minh đầu thế kỷ XV và
nhất là trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo.
Lịch sử tư tưởng quân sự giai đoạn này có những bước phát triển thăng
trầm, nhưng đều toát lên mạnh mẽ tinh thần yêu nước thiết tha, ý thức độc