lực thù địch vẫn luôn đòi hỏi cần phải có một lực lượng vũ trang tinh nhuệ. Trong điều kiện
đó, các vua triều Lê Sơ đã thi hành một chế độ luyện tập thường xuyên đối với các tướng sĩ để
có được một đội quân thiện chiến. Nhà nước đưa việc tập luyện quân sự thành hoạt động
thường kỳ, liên tục và có định chế rõ ràng.
Các hạng quân thường trực, ngoài các việc tạp dịch, chia nhau canh gác, trấn giữ các
nơi, còn có nhiệm vụ rất quan trọng là luyện tập võ nghệ và trận pháp.
Năm Giáp Dần (1434), Lê Thái Tông định lệ hằng năm cứ vào đầu mùa xuân các, đạo
phải tập trung về Kinh thành để diễn tập gọi là đại tập quân kỳ. Riêng các đạo từ Thanh Hoá,
Nghệ An trở vào vì đường xa nên cho tập trung ở bản phủ để diễn tập, nếu trái lệnh sẽ bị trị
tội. Lệ này đã trở thành lệ thường ở các đời vua sau. Năm Ất Mão (1435), Lê Thái Tông lại ra
lệnh cho quân các đạo đến những nơi gần gũi thuận tiện trong đạo mình chia quân tập trận,
các quân Ngự tiền thi tập võ nghệ ở điện đình. Đôi khi triều đình còn tổ chức những buổi tập
trận riêng cho từng binh chủng như bộ binh, thuỷ binh, tượng binh, kỵ binh.
Sang đời Lê Thánh Tông, chế độ luyện tập được thực hiện có quy củ với phép tắc rõ
ràng hơn. Việc luyện tập ở giai đoạn này được thực thi theo từng chủng loại quân (binh
chủng). Kế thừa và phát triển các định chế tập luyện có từ trước, tháng 11 năm Ất Dậu, Hồng
Đức thứ 6 (1465) Lê Thánh Tông ban bố 31 điều quân lệnh về thuỷ trận, 22 điều quân lệnh về
tượng trận, 27 điều quân lệnh về mã trận và 42 điều quân lệnh về bộ trận.
Năm Ất Dậu (1465), cùng với việc ban hành các điều quân lệnh tập trận, Lê Thánh
Tông cũng ban hành phép duyệt tập trận đồ thủy bộ. Theo quy định tập luyện về thuỷ trận thì
có các đồ pháp: Trung hư (trận quây tròn trống giữa), Thường Sơn xà (trận kéo dài uốn lượn
hình rắn Thường Sơn), Mãn thiên tinh (trận tản như sao đầy trời), Nhạn hàng (trận hình chữ V
như chim nhạn bay sóng hàng), Ngư đội (trận hai đầu hình nêm như đàn cá). Trận đồ về bộ
quân thì có các đồ pháp: Trương cơ, Tương kích, Kỳ binh.
Sử liệu không cho ta biết rõ nội dung của các trận đồ nhưng với những điều trận đã
ban bố có thể nhận xét: Việc tập luyện quân sự rất được coi trọng dưới thời Lê Thánh Tông.
Mỗi loại quân đã có một nội dung tập luyện phù hợp.
Việc duy trì kỷ luật trong tập luyện cũng rất nghiêm khắc. Đại Việt sử ký toàn
thư chép: Ngày 23 tháng 2 năm Đinh Hợi Quang Thuận thứ 8 (1467), trong lúc tập trận đồ
Tam Tài và Thất Môn ở sông Vi, nhóm Tây quân phủ đô đốc Lê Thiệt làm trái mệnh lệnh, đã
bị Lê Thánh Tông sai trói đưa đến trước cửa doanh, mãi sau mới được tha. Cùng ngày hôm
đó, Lê Thánh Tông cũng đã kiên quyết bãi quan chức của Trấn điện phó tướng quân Lê Hán
Đình vì đã không tổ chức được buổi luyện tập theo đúng trận đồ đã đưa ra.
Ông còn ra chỉ dụ cho các tổng quản, tổng tri, các vệ quân 5 đạo và quân các phủ, trấn
rằng: “Những lúc rỗi việc làm ruộng, phải ngừng những việc không cần kíp, cứ ngày rằm
hằng tháng, thì vào phiên để điểm mục, liệu cắt quân nhân vào những việc như giữ cửa nhà,
điếm canh, liếm cỏ lợp nhà, nuôi voi. Còn thì trước đó một, hai ngày, phải theo các trận đồ