khó thành lập và không thể củng cố được. Có chính quyền cách mạng của
địa phương, có căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà phát triển lực
lượng và hóa ra quân chính quy. Hai điều kiện để xây dựng căn cứ địa là có
địa thế hiểm trở che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ. Trong khi chú ý
địa thế tự nhiên, Người đề cao điều kiện quần chúng, yếu tố con người.
Muốn có sự ủng hộ của quần chúng thì phải ra sức tuyên truyền, tổ chức
quần chúng vào các hội cứu quốc của Việt Minh. Đây là một sáng tạo của
lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta trong xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo, tổ chức của các cấp ủy đảng, các căn cứ địa trong cả
nước, những an toàn khu (ATK) của Trung ương Đảng, của Xứ ủy, Thành
ủy, Tỉnh ủy...được xây dựng và phát triển trên cơ sở lực lượng chính trị,
không chỉ ở rừng núi hiểm trở mà còn được xây dựng ở vùng đồng bằng và
vùng ven các đô thị lớn, nơi có “rừng người”, “biển người”. Ở Cao Bằng,
Tỉnh ủy Cao Bằng được củng cố, Ban Việt Minh lâm thời tỉnh được thành
lập. Năm 1942, phong trào Việt Minh từ Cao Bằng phát triển sang một số
vùng thuộc Bắc Kạn và Lạng Sơn. Để lãnh đạo phong trào được thống nhất
trong ba tỉnh, Trung ương Đảng quyết định thành lập Liên Tỉnh ủy Cao -
Bắc - Lạng và thành lập Ban Việt Minh liên tỉnh. Sau khi thành lập, Liên
Tỉnh ủy chỉ đạo gấp rút mở đường Nam tiến, Tây tiến, Đông tiến. Tại Hội
nghị Lũng Hoài, Hòa An (1-1943), Liên Tỉnh ủy đã trao đổi rút kinh
nghiệm công tác xây dựng căn cứ địa, thống nhất kế hoạch tiếp tục thực
hiện nhiệm vụ chiến lược mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị: Đánh thông
đường Nam tiến để nối liền căn cứ địa Cao Bằng với căn cứ du kích Bắc
Sơn - Võ Nhai. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phong trào cách
mạng quần chúng phát triển mạnh mẽ.
Trên cơ sở vùng giải phóng rộng lớn và liên hoàn, tháng 5-1945,
lãnh tụ Hồ Chí Minh cho chuyển đại bản doanh từ Cao Bằng về Lam Sơn
(Tuyên Quang). Sau khi nghe các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc
Việt, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình và nhất trí
với nội dung Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng (3-1945), Nghị
quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (4-1945), Người bổ sung, chỉ