phong kiến, hướng đến con đường giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng tư
sản. Qua các tác phẩm cũng như hoạt động thực tiễn của hai tổ chức Duy
tân Hội và Việt Nam Quang phục Hội do ông lãnh đạo, nhiều quan điểm
quân sự xuất hiện. Đó là các quan điểm: Dùng bạo lực lật đổ ách thống trị
của thực dân Pháp; phương thức tiến hành bạo động là: “nội công, ngoại
kích", hoạt động gây tiếng vang "kinh thiên động địa"; tập hợp lực lượng,
mở rộng mặt trận đoàn kết đánh giặc cứu nước, “đồng lòng tất có thể bảo
vệ được nước. Không đồng lòng tất dẫn đến nước bị diệt"; tăng cường xây
dựng lực lượng vũ trang, thành lập Quang phục quân; chú trọng công tác
binh, địch vận; quan tâm giải quyết vấn đề vũ khí. Nhiều quan điểm quân
sự đã được triển khai vào thực tiễn. Tuy các cuộc bạo động trừ gian, diệt
địch ở Thái Bình, Hà Nội (1913), tập kích trại lính khố xanh Phú Thọ (1-
1915), tập kích đồn Tà Lùng (3-1915), phá ngục Lao Bảo (9-1915), khởi
nghĩa ở Huế (1916), khởi nghĩa Thái Nguyên (1917), khởi nghĩa Bình Liêu
(1918), v.v. đều không thành công, nhưng các hoạt động đó góp phần duy
trì ngọn lửa đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược trong các tầng lớp
nhân dân.
Tiếp đó, Việt Nam Quốc dân Đảng - một tổ chức tiêu biểu của
khuynh hướng cách mạng quốc gia tư sản với nền tảng tư tưởng mô phỏng
theo chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn ra đời (25-12-1927). Các quan
điểm quân sự của Việt Nam Quốc dân Đảng trong những năm 1927-1930
tuy đã đề cập nhiều vấn đề như xác định nhiệm vụ, phương thức hoạt động,
xây dựng lực lượng, trang bị vũ khí... để thực hiện chủ trương đánh đuổi đế
quốc xóa bỏ chế độ vua quan, thành lập chính thể dân quyền nhưng trên
thực tế thì không triệt để, không thống nhất cả về chính trị và tổ chức.
Trước nguy cơ bị kẻ thù đàn áp, những người đứng đầu Việt Nam Quốc dân
Đảng chủ trương khởi nghĩa ngay, nếu "không thành công thì cũng thành
nhân". Chỉ trong một tuần (từ ngày 9 đến ngày 15-2-1930), cuộc khởi nghĩa
vũ trang bùng nổ ở nhiều nơi và mau chóng thất bại. Quan điểm "không
thành công thì cũng thành nhân" biểu lộ "tính chất hấp tấp tiểu tư sản, tính
chất hăng hái nhất thời và đồng thời cũng biểu lộ tính chất không vững