đồng chí của ông đã dành hết tâm lực và kiên trì tuyên truyền, tổ chức, vận
động cho chủ trương bạo động.
Phan Bội Châu khẳng định, một nước được gọi là độc lập thì phải
hội đủ các yếu tố nhân dân, đất đai và chính quyền. Và "Điều quan trọng
của nước là ở chủ quyền; điều quan trọng của chủ quyền là độc lập, tức là ở
bên ngoài thì không bị người khác áp chế, bên trong thì nắm giữ được
quyền bính"
5
. Nay nhân dân, đất đai và chính quyền đều nằm trong tay thực
dân Pháp, vì thế, giành lại độc lập, chủ quyền là nhiệm vụ hàng đầu và là
nhiệm vụ lớn nhất; không có sự thỏa hiệp, dung hòa giữa nhân dân mất
nước với bọn thực dân xâm lược. Theo Phan Bội Châu, chỉ vì săn đuổi
quyền lợi kinh tế, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn tàn bạo nhất nhằm
vơ vét, bóc lột nhân dân Việt Nam và những trường học, báo chí... mở ra
chẳng qua cũng chỉ là công cụ phục vụ cho việc thống trị của họ được dễ
dàng mà thôi, còn trong thực tế thì hãm người Việt Nam vào tình trạng ngu
muội, tiêu diệt những mầm mống phản kháng. Bằng cách bóc trần lối cai trị
tàn bạo và lừa bịp của thực dân Pháp, Phan Bội Châu không coi Pháp là
người "bảo hộ", người truyền bá "văn minh" mà xem là giặc, là quân ăn
cướp.
Không những chỉ rõ kẻ thù chính của dân tộc, Phan Bội Châu còn
lên án gay gắt bọn vua quan phong kiến chỉ vì quyền lợi cá nhân đã chấp
nhận làm tay sai cho giặc, để đất nước bị xâm lược, nhân dân bị nô dịch,
lầm than. Ông cho rằng, muốn phá vỡ bộ máy thống trị của thực dân Pháp,
cần tiến hành bạo động vũ trang bằng sức mạnh của nhiều người; đồng thời
tiến hành hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm thức tỉnh đồng bào. Phan
Bội Châu kiên quyết chống lại đường lối đấu tranh "hòa bình" và cho rằng,
nếu ách áp bức của thực dân Pháp còn được tiếp tục duy trì thì không
những Việt Nam sẽ phải cam chịu "thảm trạng mất nước", mà ngay cả sự
tồn tại của dân tộc rồi sớm muộn cũng sẽ bị xóa bỏ.
Năm 1906, trên đất Nhật Bản, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh
đã có cuộc tranh luận khá gay gắt về đối tượng, phương pháp cách mạng