Trong khoảng thời gian 30 năm ấy, chiến tranh nhân dân từng bước
phát triển, vượt qua các thách thức lịch sử, vươn tới đỉnh cao, đưa cách
mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn: lần lượt đánh bại quân xâm lược
Pháp và Mỹ, giữ vững và phát triển thành quả cách mạng, giành lại độc lập
dân tộc, mang lại tự do trọn vẹn cho Tổ quốc. Chiến thắng ấy đã mở ra một
giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam: chấm dứt vĩnh viễn ách
thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở Việt Nam. Quá
trình ấy trải qua hai chặng đường liên tục kế tiếp nhau đầy gian nan, thử
thách -từ cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1945-1954) đến
cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ 21 năm trường kỳ (1954-1975).
Công tác tìm hiểu bối cảnh lịch sử của tư tưởng, học thuyết là cần
thiết để thấy được những nhân tố lịch đại, đồng đại cấu thành nên đặc tính
của mỗi tư tưởng, học thuyết. Trên cơ sở đó, nghiên cứu lịch sử Việt Nam
trong 30 năm kháng chiến sẽ cho thấy vai trò lịch sử và sự phát triển của tư
tưởng quân sự Việt Nam nói chung, tư tưởng quân sự Việt Nam hiện đại
nói riêng. Dĩ nhiên, học thuyết chiến tranh, tư tưởng quân sự và nghệ thuật
quân sự có mối quan hệ mật thiết, nhưng sự phát triển về mặt lịch đại của
từng lĩnh vực là không đồng nhất với nhau. Việc làm rõ hoàn cảnh lịch sử
sẽ chỉ ra hai phương diện khi nghiên cứu tư tưởng quân sự là: (a) những
khuynh hướng chính trị quyết định đối tượng và phương pháp luận của học
thuyết chiến tranh cùng tư tưởng quân sự; (b) những nền tảng thực tiễn
đóng vai trò quyết định trong quá trình ra đời nghệ thuật quân sự, từ đó
củng cố và mở rộng hơn nữa các nhân tố của tư tưởng quân sự. Với quan
điểm này, mối quan hệ biện chứng giữa chính trị và quân sự, giữa nhà nước
và quân đội, giữa thực tiễn và tư tưởng là tiền đề cho nhận thức và công tác
nghiên cứu.
I. KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)