Phòng để khiêu chiến. Ngày 27-11-1946, quân Pháp chính thức nhận lệnh
chiếm Hải Phòng, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc Việt Nam.
Trước hành động đó của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chính
phủ chủ trương yêu cầu thực dân Pháp tôn trọng những điều đã ký kết, kêu
gọi tiến hành các cuộc tiếp xúc, đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp.
Tuy nhiên, đáp lại những thiện chí của Việt Nam, thực dân Pháp tăng
cường cho quân tiến hành các hoạt động khiêu khích. Tại Hà Nội, trong
tháng 12-1946, quân Pháp liên tiếp gây xung đột với lực lượng vũ trang
cách mạng. Ngang nhiên hơn, ngày 17-12-1946, quân Pháp đã bắn đại bác
và súng cối vào khu phố Hàng Bún, cho quân chiếm trụ sở Bộ Tài chính và
một số cơ quan trong thành phố. Ngày 18-12-1946, Pháp đã gửi tối hậu thư
cho Chính phủ Việt Nam, yêu cầu giải tán lực lượng vũ trang và giao quyền
kiểm soát Thủ đô cho chúng.
Hành động đó của thực dân Pháp buộc nhân dân Việt Nam chỉ có
lựa chọn duy nhất: cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến để bảo vệ độc
lập tự do. Trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương
Đảng đã họp hội nghị phân tích tình hình, quyết định phát động toàn quốc
kháng chiến. Hội nghị còn đề ra những đường lối cơ bản của cuộc kháng
chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của nhân dân Việt
Nam. Ngay trong đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến. Sáng 20-12-1946, lời kêu gọi đó được truyền đi
khắp đất nước. Toàn bộ văn bản Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cũng
chính là tuyên ngôn về tư tưởng quân sự Việt Nam hiện đại:
“... Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng.
Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì
chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất
nước, nhất định không chịu làm nô lệ.