động đi ngược lại, thậm chí phản bội, lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân, câu
kết với thế lực ngoại xâm của các phần tử phản quốc. Truyền thống tự lực,
tự cường, dựa vào sức mình là chính hoàn toàn xa lạ với tính dân tộc hẹp
hòi, không hề mâu thuẫn với tinh thần đoàn kết quốc tế. Ngay trong thời
trung đại, nhà Trần đã hợp tác với quân Chiêm chống lại cuộc xâm lược
của quân Nguyên.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân Việt Nam
đấu tranh giành độc lập dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thức
rằng, các dân tộc muốn được giải phóng, trước tiên chỉ có thể dựa vào lực
lượng của chính bản thân mình. Nguyễn Ái Quốc cho rằng muốn người ta
giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã.
Khi trực tiếp lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập,
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước "đem sức ta mà
tự giải phóng cho ta". Cách mạng Tháng Tám thành công là biểu hiện rực
rỡ của tư tưởng tự lực, tự đứng lên giành lại độc lập cho dân tộc, tự do,
hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng ấy được quán xuyến trong việc hoạch
định đường lối, xây dựng lực lượng cách mạng và chớp thời cơ, đồng thời
phát động toàn dân khắp mọi miền Tổ quốc đứng lên giành độc lập, đánh
đổ chế độ cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Ngay sau ngày Cách mạng
Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng và
Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân, toàn quân Việt Nam tiến hành
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, với phương châm
toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Hồ Chí Minh viết: "Kháng
chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh. Trông vào sức
mình, nhất là ở sau lưng địch thì lại càng phải đặc biệt chú ý. Cố nhiên sự
giúp đỡ của nước bạn là quan trọng nhưng không được ỷ lại, không được
ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi
chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập"
30
. Người cho
rằng, thực lực bản thân có mạnh, cuộc kháng chiến có phát triển thì mới có
thể tranh thủ được ngày càng rộng rãi sự đồng tình ủng hộ của quốc tế.
Chính vì thế, thời kỳ tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp