Trong khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng hay trong chiến
tranh bảo vệ Tổ quốc, do tương quan lực lượng buổi đầu ta kém địch,
nên các nhà lãnh đạo đều có tư tưởng chỉ đạo vừa chiến đấu vừa xây
dựng căn cứ địa, hậu phương. Mặt khác, căn cứ địa, hậu phương của ta
là mối uy hiếp thường xuyên đối với địch, là mục tiêu đánh phá
thường xuyên, ác liệt của quân thù; vì vậy, cần phải tích cực chiến đấu
để bảo vệ căn cứ địa.
Trong truyền thống quân sự thời phong kiến, các lãnh tụ nghĩa quân
khi lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa thường lựa chọn xây dựng căn
cứ địa ở vùng quê hương, tuy phạm vi còn nhỏ hẹp nhưng có điều kiện
nhân hòa, địa lợi. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân từng bước xây dựng và
mở rộng căn cứ địa. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi và Nguyễn
Trãi chủ trương "vừa cày ruộng vừa đánh giặc", vừa chiến đấu vừa xây
dựng căn cứ địa ở núi rừng Thanh Hóa và Nghệ An. Tại căn cứ Lam Sơn,
Lê Lợi giao cho hai cha con Ngô Kinh, Ngô Từ, quê ở Yên Phong (Yên
Định) quản lý trang trại, xây dựng cơ sở vật chất, chăm lo sản xuất binh
lương; Trương Lôi và Võ Uy, hai tướng có tên trong Hội thề Lũng Nhai tổ
chức cày ruộng, cung ứng lương thực cho nghĩa quân. Ngay từ đầu, trong
tư tưởng của mình, Lê Lợi đã suy nghĩ và quan tâm đến vấn đề khai hoang,
sản xuất lương thực cung cấp cho nghĩa quân đánh giặc. Ngoài việc nghĩa
quân tự lực sản xuất lương ăn, trong thời kỳ này, Lê Lợi còn đặc biệt chú ý
đến việc huy động vật lực trong nhân dân, nhất là trong vùng hoạt động của
nghĩa quân. Cùng với việc xây dựng lực lượng, tích trữ lương thực và vũ
khí, Lê Lợi còn cho đắp lũy để bảo vệ căn cứ Lam Sơn. Lũy Lam Sơn hay
còn gọi là "Lũy vua Lê" chạy dài theo tả ngạn sông Chu, qua Dao Xá, Hào
Lương xuống tận Yên Trường (Thọ Xuân). Thời kỳ đầu, quân Minh liên
tục tiến đánh, càn quét, nhằm tiêu diệt nghĩa quân, Lê Lợi tổ chức nhiều
cuộc tập kích, phục kích giặc để bảo vệ nhân dân, bảo vệ khu căn cứ của