lợi. Thái độ ứng xử và cách thức tổ chức như thế khiến cho quân đội
Tây Sơn thực sự tin cậy lẫn nhau, hợp thành một khối vững chắc.
Hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, qua bao phen binh
lửa, đã hình thành, bồi đắp nên truyền thống quân sự Việt Nam, mà bộ
phận quan trọng trong truyền thống ấy chính là mối quan hệ gắn bó,
khăng khít quân - dân và mối quan hệ nội tại trong bản thân đội quân
ấy. Mối quan hệ này được quy định bởi tính chính nghĩa của sự nghiệp
kháng chiến vì nền độc lập, chủ quyền của dân tộc, bởi tư tưởng "thân
dân", và "khoan thư sức dân" và những tư tưởng, chính sách tiến bộ
của tập đoàn cầm quyền ban hành và thực thi, ngay từ trong thời bình,
xem đó là "kế sâu rễ bền gốc" của thuật giữ nước.
3. Sự phát triển của tư tưởng đoàn kết dân tộc trong thời hiện đại
Ở thời hiện đại, cách mạng, chiến tranh cách mạng dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế
thừa truyền thống cố kết dân tộc và thấu triệt quan điểm Mác - Lênin
về vai trò quần chúng trong lịch sử, vấn đề đoàn kết dân tộc đã phát
triển lên một tầm cao mới với sự nhảy vọt về chất, cả về nội dung, tính
chất và phong phú về hình thức thể hiện.
Gần một thế kỷ trước khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945
thành công, dân tộc Việt Nam bị chủ nghĩa thực dân đô hộ. Đất nước
mất độc lập, chủ quyền, bị chia cắt; nhân dân bị áp bức, bóc lột, sống
trong cảnh nô lệ lầm than. Độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất là đòi
hỏi khách quan của toàn dân tộc, là ý nguyện của mọi giai tầng xã hội,
là khát vọng của mỗi người Việt Nam yêu nước. Nhiệm vụ cấp bách
thời gian này là giành chính quyền về tay nhân dân. Hội nghị Trung